TRÁNH “BẪY” START-UP

Daily News

Daily With Vincent
Top Poster Of Month
Vừa qua, dư luận ồn ào vụ chiếc xe đạp in 3D Superstrata và một số dự án của vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang - Sonny Vũ.
Đến nay, chị Trang vừa đăng đàn nhắc lại việc những người đã bỏ tiền đợt đầu là crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) chứ không phải “order” để mua hàng, nên phải chấp nhận rủi ro khi nhận sản phẩm đang còn trong quá trình R&D.
Đúng là crowdfunding khác với cách đầu tư truyền thống. Đến giờ, crowdfunding là con đường mà không ít start up ở nhiều nước chọn lựa.
Với cách đầu tư truyền thống, các công ty, quỹ đầu tư sẽ đánh giá và bên được đầu tư phải cung cấp rất nhiều thông tin để làm tiền đề đánh giá như: bằng sáng chế, công nghệ, tỷ lệ làm chủ công nghệ, nguồn cung cấp, tình hình tài chính, nhân lực…
Để qua được giai đoạn Due Diligence là các start up đã “trầy vi tróc vẩy”, đổi lại nếu thành công sẽ có nguồn vốn lớn.
Trong khi đó, crowdfunding thì "thu bạc cắc", nhắm đến số đông những người hứng thú với sản phẩm, chấp nhận bỏ tiền hỗ trợ. Đổi lại, người đầu tư thường sẽ nhận được sản phẩm sớm (vẫn có nhiều trường hợp là crowdfund thu lại tiền về dựa trên cam kết của bên nhận đầu tư, nhưng không phổ biến).
Nói chung, mô hình gọi vốn này phần lớn dựa trên “niềm tin”, “vui là chính”, nên khi tham gia thì dưới góc độ đầu tư, người chi tiền đã thực hiện một vụ đầu tư trong trạng thái bất cân xứng về mặt thông tin, vì thường không trải qua các bước như đầu tư chuyên nghiệp.
Nếu nhận được sản phẩm không như ý, ngay cả bỏ ra vài ngàn USD, người tham gia crowdfunding cũng khó kiện tụng gì nếu đó là giao dịch ở nước ngoài, do chi phí theo đuổi pháp lý rất tốn kém. Vì thế, khi “xuống tiền” trong trường hợp này, người bỏ tiền đã nắm “đằng lưỡi”, rủi nhiều hơn may.
Anh em khi “xuống tiền” tham gia crowdfunding cần lưu ý các nội dung trên.
Nhưng nói thế, cũng không có nghĩa là cứ nhìn start up nào có quỹ đầu tư tham gia thì đều đáng tin hay nghĩ là đã được đánh giá đầy đủ. Giờ còn có các quỹ đầu tư trung gian “lùa gà”, tức đưa vốn vào để người khác thấy tin mà bỏ tiền, nhưng thực tế chả quỹ nào bỏ vào đồng nào mà chỉ là thủ thuật tài chính.
Quay lại vụ chiếc xe đạp in 3D của vợ chồng Trang - Vũ, khi nghe một người bạn “xuống tiền”, cậu có nói với “lính” của người bạn rằng không khéo bỏ tiền mua chiếc xe đạp đó sẽ “ôm hận”.
Xét về background “niềm tin”, vợ chồng Trang - Vũ để lại ấn tượng lớn nhất với vụ start up thiết bị đeo thông minh Misfit thành công, bán được 250 triệu USD. Nhưng trong vụ này thì còn có sự tham gia của John Sculley từng làm sếp ở Pepsi, Apple…
Còn sau thương vụ trên, vợ chồng Trang - Vũ không để lại thêm thành tích gì lớn. Thêm vào đó, kỹ thuật in 3D thiêng về công nghệ mới, nhưng để in 3D các phần cho 1 chiếc xe đạp thì lại là chuyện khác. Vì xe đạp thiêng về cơ khí, mà kỹ thuật cơ khí thì rất phức tạp.
Cứ nhìn bao nền kinh tế phát triển mạnh về công nghệ, nhưng kỹ thuật cơ khí thì đến giờ có Mỹ, Đức, Nhật là trùm và nhiều nước học theo hoài mà chả được bao nhiêu.
Dù vậy, nhưng cậu không ngờ rằng kết quả cái xe đạp Superstrata của chị Trang mà anh bạn nhận được có độ hoàn thiện kém đến thế, tệ đến mức là cái trục bánh trước không thể gắn bánh vào.
Cậu tận mắt xem cái xe được giao thì thấy tầm hoàn thiện còn thua cả cái xe đạp bình dân của Đài Loan giá 6-7 triệu đồng.
Tất nhiên, như trả lời phỏng vấn của chị Trang là sản phẩm còn đang trong giai đoạn R&D thì có thể còn vấn đề, nhưng đi giao hàng một chiếc xe như thế cho người đầu tư đã ủng hộ, đặt niềm tin cho mình thì đúng là “đi vào lòng đất”.
Và khi những người xuống tiền phản ứng vì sản phẩm nhận được, chị đã “block” rồi im lặng trong thời gian dài.
Nên, tui tự hỏi với những người đã tin tưởng và xuống tiền cho chị từ khi sản phẩm chưa hình thành, thì khách hàng thông thường là gì trong mắt chị?
Lẽ ra, khi người nhận hàng phản hồi về vấn đề gặp phải, chị nên thẳng thắn nói chuyện, thể hiện sự cầu thị.
Quả thực, đọc nội dung chị vừa đăng đàn lên tiếng thì cảm xúc của tôi là “ai ngu ráng chịu!” và chị không có trách nhiệm gì. Sướng như chị là cùng, vừa được nhận tiền, vừa được nói kiểu đó.
Và có lẽ, qua chuyện này, thì nhiều anh em cũng nên phân biệt, hiểu rõ về crowdfunding, đừng để mình vừa tốn tiền mà vừa bị bóp chát lại bởi chính kẻ nhận tiền.
Phát biểu trong một chương trình gần đây, chị Trang gây nhiều chú ý với nội dung về “người tổng quan” và “người chi tiết”.
Nhưng theo cậu thì “người tổng quan” hay “người chi tiết” cũng cần đàng hoàng xử lý vấn đề của mình.
Trong vụ xe đạp 3D, những người "xuống tiền" không chỉ tiếc tiền mà còn tiếc niềm tin đã đặt vào chị.
Đạo lý - nói thì dễ, làm mới khó
 
Bên trên