Trẻ có suy nghĩ tự tử, làm hại bản thân, chuyên gia khuyến cáo những việc cha mẹ cần làm ngay

Nguyễn Mai

Well-known member
Trường hợp nữ sinh cấp 3 tự tử khiến nhiều cha mẹ lo lắng do các bậc cha mẹ khó khăn trong việc gần gũi, kiểm soát con ở tuổi mới lớn.
Các câu hỏi được nhiều cha mẹ băn khoăn, làm thế nào để phát hiện con mình đang có những biểu hiện không bình thường, đang có nguy cơ tự tử? Liệu có cách gì để kiểm soát và phòng ngừa hành vi tự tử ở trẻ không? Bài viết dưới đây giúp cha mẹ hiểu hơn về vấn đề này.Tự tử là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ em và người trẻ

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới và CDC, tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong cho trẻ em và người trẻ từ 10 - 34 tuổi ở Mỹ. Trên thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 trong lứa tuổi 15-29. Tuy nhiên, đa phần bố mẹ thường có tâm lý là "chuyện này không xảy ra với con mình đâu".

"Kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 do WHO tài trợ và nhóm mình thực hiện năm 2019 (trước đại dịch COVID-19) cho thấy cứ 6 học sinh lớp 8 đến lớp 12 thì có 1 em nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử trong 12 tháng qua và chỉ có 28,5% cha mẹ, người giám hộ thường xuyên hiểu các vấn đề lo lắng của con, có nghĩa là có tới 71,5% bố mẹ không hiểu những lo lắng và vấn đề mà các em đang gặp phải. Chỉ số này cho thấy phụ huynh cần nỗ lực hơn nữa để đồng hành cùng trẻ để biết con đang lo lắng gì, gặp phải vấn đề gì"- PGS Tuyết Hạnh nói.

Trẻ có suy nghĩ tự tử, làm hại bản thân, chuyên gia khuyến cáo những việc cha mẹ cần làm ngay - 1


Nguyên nhân chính dẫn tới tự tử ở trẻ có nhiều trong đó có bị bắt nạt (bạo lực học đường trực tiếp hoặc online).

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới hành vi tự tử ở người trẻ, PGS. Tuyết Hạnh cho rằng theo nhiều nghiên cứu ở trên thế giới thì một số nguyên nhân chính dẫn tới tự tử ở người trẻ bao gồm:

- Bị lo âu, trầm cảm

- Bị bắt nạt (bạo lực học đường trực tiếp hoặc online)

- Thất tình, chia tay bạn trai/bạn gái

- Áp lực học hành, thi trượt, học hành không được như kỳ vọng của cha mẹ.

- Bị phân biệt đối xử, kỳ thị (ví dụ do màu da, hình thể béo gầy/xấu đẹp, học giỏi/dốt, do nhà giàu/nghèo...)

- Là nạn nhân của bạo hành tại gia đình (bị đánh, quát mắng...) hay chứng kiến người thân bị bạo hành.

- Bị lạm dụng tình dục

- Tiền sử gia đình có người tự tử hoặc gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần

- Gặp bế tắc trong cuộc sống do bản thân/gia đình nợ nần, mắc bệnh hiểm nghèo, thiếu thốn tình cảm.

- Lạm dụng các chất kích thích. Cha mẹ cần làm gì để đồng hành cùng con giúp phòng ngừa tự tử?

Theo Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày có hàng ngàn trẻ vị thành niên tự tử trên thế giới. Đặc biệt, hiện nay tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên tự tử đã khiến nhiều cha mẹ lo lắng và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Vậy câu hỏi đặt ra là cha mẹ cần làm gì để đồng hành cùng con, giúp phòng ngừa hành vi tự sát ở trẻ vị thành niên?

Thực tế cho thấy việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ vị thành niên có ý tưởng tự sát là rất khó khăn. Bên cạnh nhà trường, bạn bè, thì người thân trong gia đình rất quan trọng trong việc gần gũi, phát hiện, chia sẻ và ngăn ngừa tự sát ở trẻ.

Theo PGS. Trần Thị Tuyết Hạnh, để đồng hành cùng con giúp phòng ngừa hành vi tự tử, người thân trong gia đình, cụ thể cha mẹ phải là người nhận thức rõ nguy cơ nghĩa là chuyện này có thể xảy ra với con mình.

Vì vậy, cha mẹ luôn là người bạn thân thiết của con, luôn lắng nghe và chia sẻ. Cha mẹ cần để ý các dấu hiệu bất thường của con mình.

Trẻ có suy nghĩ tự tử, làm hại bản thân, chuyên gia khuyến cáo những việc cha mẹ cần làm ngay - 2


PGS. TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng.

PGS. Tuyết Hạnh nêu ví dụ: "những câu nói tiêu cực, "có vấn đề" của con, ví dụ: "Con không muốn sống nữa", "Con quá mệt rồi", "Con sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu", "Con chỉ muốn ngủ 1 giấc và không bao giờ tỉnh dậy nữa", "Cả nhà sẽ hạnh phúc nếu không có con", "Thế nào cũng được, chẳng có gì quan trọng nữa"...

Trước những diễn biến bất thường của trẻ, cha mẹ cần:

- Để ý các hành động bất thường của con, ví dụ: Không muốn ăn uống, ngủ thất thường, tự làm đau mình, tự cắt tay, tự gây thương tích cho bản thân, không muốn ra ngoài giao tiếp mà tự giam mình trong phòng riêng...

- Khi thấy có dấu hiệu lời nói, hành động bất thường: Bố mẹ cần đồng cảm, quan tâm, tâm sự cùng con để tìm nguyên nhân, giải pháp và đồng hành. Tuyệt đối không chỉ trích, mắng mỏ hay cho là chuyện nhỏ rồi bỏ qua khi con có các dấu hiệu bất thường.

- Nếu tình hình không cải thiện trong khoảng 1 tuần thì cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Tâm sự, chia sẻ tình hình của con và phối hợp cùng thầy cô giáo ở trường để đồng hành cùng con.

- Khi con chưa có dấu hiệu tiêu cực nào: Động viên con thể dục thể thao, chơi các trò chơi lành mạnh; xây dựng lối sống và suy nghĩ tích cực, kỹ năng và thói quen chia sẻ khi gặp khó khăn, kỹ năng ứng phó với các vấn đề mà trẻ gặp phải.

Còn theo TS.BS. Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, ở độ tuổi vị thành niên trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh vì vậy, dễ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Bên cạnh đó, một số trẻ tự tử vì không giải tỏa được cảm xúc, cảm giác lạc lõng trong cuộc sống, một số khác tự tử vì "giận cha mẹ", uất ức, tủi thân.

Vì vậy, các chuyên gia đều khuyến cáo khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi. Cha mẹ cần dành thời gian để gần gũi con cái, tạo nên những định hướng giá trị đúng với chuẩn mực xã hội, tìm hiểu nguyện vọng tâm tư của trẻ, kịp thời cởi bỏ những khúc mắc về tâm sinh lý cho trẻ, không nên vội la mắng, nặng lời với con sẽ dẫn đến hành động dại dột của con trẻ.

Đặc biệt, cha mẹ không nên nghĩ rằng trẻ con đang nghiêm trọng hóa vấn đề. Cha mẹ cần phải đóng vai trò là một người bạn để trẻ có thể tâm sự và chia sẻ những khó khăn, nắm bắt nhanh những chuyển biến bất thường về tâm lý của trẻ và có những biện pháp can thiệp sớm nhằm tránh những những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với những đứa con thân thương.
 
Bên trên