Trụ sở UBND TP HCM được xếp hạng di tích kiến trúc quốc gia

chanhhuy99

Well-known member
Tòa nhà UBND TP HCM - công trình kiến trúc đặc sắc 111 tuổi, ở quận 1, vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.

Quyết định xếp hạng được Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký hôm 4/11, sau hơn 4 năm TP HCM có văn bản đề nghị.

Khu vực được công nhận là khối nhà chính trên đường Lê Thánh Tôn, trừ khối nhà mới xây dựng trên nền chung cư 213 Đồng Khởi cũ. UBND TP HCM được giao quản lý nhà nước đối với di tích này theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Mặt tiền trụ sở UBND TP HCM ở số 86, Lê Thánh Tôn, quận 1 vào tháng 4/2019. Ảnh: Hữu Khoa.

Mặt tiền trụ sở UBND TP HCM ở số 86, Lê Thánh Tôn, quận 1 vào tháng 4/2019. Ảnh: Hữu Khoa.

Là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng, trụ sở UBND TP HCM đã 111 tuổi (xây từ năm 1898 đến 1909) do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế. Thời Pháp thuộc, tòa nhà có tên Hôtel de ville trong tiếng Pháp hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời Việt Nam Cộng hòa gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn - nơi làm việc của chính quyền. Sau năm 1975 đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của UBND TP HCM.

Theo nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng, tòa đô chánh Sài Gòn lấy hình mẫu từ tòa thị chính ở Paris theo phong cách Phục Hưng. Công trình thiết kế theo dạng lầu chuông đúc cao - kiểu kiến trúc phổ biến ở miền Bắc nước Pháp. Phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái cân đối, bên trái và bên phải tòa nhà thấp hơn so với các phần còn lại.

Thiết kế mặt đứng công trình có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu Phục Hưng, trang trí kiểu baroque và rococo, cửa sắt kiểu art - nouveau... 30 m mặt tiền có hầu hết các yếu tố tạo thành phong cách kiến trúc thời Đệ tam Cộng hòa Pháp (1870-1940) như tháp chuông, tràng hoa, huy hiệu... Các chi tiết trang trí mang độ tinh xảo cao.

Thiết kế đặc sắc bên trong tòa nhà. Ảnh: Hữu Khoa.

Kiến trúc bên trong tòa nhà. Ảnh: Hữu Khoa.

Chính giữa mặt tiền là kiểu trang trí đắp nổi có hình dáng người phụ nữ và 2 đứa bé đang chế ngự thú dữ, 2 bên cũng là 2 bức phù điêu hình người phụ nữ. Đây là 3 cụm điêu khắc mang phong cách cổ điển thường xuất hiện tại những tháp tòa thị chính của Pháp.

Sau này hai lầu chuông ở hai bên, mang phong cách pha trộn hai văn hóa Ý và Pháp thời Phục Hưng, được xây thêm vào và trang trí bằng hai bức đắp nổi. Phía trước công trình là bãi cỏ rộng có ghế đá và bồn kèn - nơi ban nhạc của hải quân Pháp thường trình diễn cho công chúng xem trong những dịp lễ trang trọng.

Ngoài trụ sở UBND TP HCM, dịp này Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch có quyết định xếp hạng đình thần Linh Đông di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Đình thần Linh Đông nằm ở phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM; được xây dựng khoảng năm 1823 và được vua Tự Đức sắc phong Thần Thành Hoàng năm 1852.

Hàng năm đình tổ chức cúng Kỳ Yên vào ngày 16 tháng mười âm lịch, cúng Thượng Nguyên vào rằm tháng giêng, cúng Trung Nguyên vào rằm tháng bảy, cúng giỗ ông Tạ Dương Minh (tự Thủ Đức) vào ngày 19 tháng sáu, cúng ông Táo 23 tháng chạp và đón ông Táo ngày mùng 5 Tết Nguyên đán.
 
Bên trên