Trung Quốc hướng đến cột mốc một tỷ người dùng 5G

VTTH.

Well-known member
Sau bốn năm triển khai, Trung Quốc hiện có 754 triệu người dùng kết nối 5G và sẵn sàng cho cột mốc một tỷ người dùng vào 2025.

Công nghệ 5G bắt đầu được triển khai thương mại cách đây bốn năm, mở ra kỷ nguyên siêu kết nối, cung cấp sức mạnh cho mạng IoT và thúc đẩy các mô hình năng suất kiểu mới. Hiện có hơn 50.000 ứng dụng 5G công nghiệp trên thế giới và hơn 10 triệu kết nối 5G trong môi trường công nghiệp. Riêng tại Trung Quốc, 5G được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, khai thác, lưới điện, cảng, thép và cả chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác, 5G mới đang trong giai đoạn thử nghiệm.

"Trung Quốc đã tích cực mở rộng mô hình kinh doanh mới ứng dụng 5G trong nhiều ngành nghề. Đây được xem là chìa khóa thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực từ khai thác đến sản xuất. Trung Quốc là hình mẫu về cách triển khai và ứng dụng 5G vào cuộc sống, sản xuất", John Hoffman, Giám đốc Hiệp hội di động toàn cầu GSMA, nói tại Hội nghị Internet Thế giới, diễn ra ở thành phố Ô Châu (Trung Quốc) tháng trước. Ông dự đoán, với tốc độ phát triển hiện tại, Trung Quốc có thể sớm cán mốc một tỷ kết nối 5G vào 2025.

Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT), tính đến hết tháng 10, nước này đã xây dựng gần 3,22 triệu trạm gốc 5G. Trung bình cứ 10.000 người dân có khoảng 22,6 trạm gốc 5G phục vụ kết nối. Ba nhà mạng lớn nhất Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom có tổng cộng 754 triệu người dùng điện thoại 5G.

Khách tham quan Hội nghị 5G Thế giới diễn ra ở Trịnh Châu, Trung Quốc hôm 6/12. Ảnh: Xinhua


Khách tham quan Hội nghị 5G Thế giới diễn ra ở Trịnh Châu, Trung Quốc hôm 6/12. Ảnh: Xinhua

Tại Hội nghị 5G diễn ra ở Bangkok, Thái Lan ngày 14/11, Wang Zinhui, thành viên ban cố vấn MIIT, cho biết 5G Trung Quốc chủ yếu áp dụng trong Internet công nghiệp và thành phố thông minh, với gần 7.000 nhà máy triển khai mạng 5G với 691 mỏ than tự động hóa. Các lĩnh vực quan trọng khác đang khai thác hiệu quả 5G là chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hậu cần.

Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc đang đẩy ứng dụng 5G vào ngành khai thác mỏ. Tại mỏ Hongliulin do tập đoàn than Thiểm Tây điều hành, công nghệ 5G giúp máy móc thay thế 18% số công nhân. Mục tiêu dài hạn của họ là không có công nhân nào phải làm việc dưới lòng đất nhờ sự hỗ trợ của robot kết nối 5G. Mỏ Xiaobaodang gần đó đã cắt giảm 42% công viên dưới lòng đất nhờ công nghệ kết nối mới.


Các công ty khai thác không tiết lộ về chi phí tiết kiệm được từ việc ứng dụng 5G, nhưng nhà mạng China Mobile cho biết mỏ than Dahaize đã tiết kiệm được 12 nhân dân tệ (1,84 USD) trên mỗi tấn than và giảm được 10 triệu nhân dân tệ (2,89 triệu USD) chi phí nhân công mỗi năm. Tháng 7/2021, Dahaize của Trung Quốc trở thành công ty đầu tiên trên thế giới dùng video độ phân giải cao VoNR để khai thác than thông minh.

Theo GSMA, xuất phát từ yếu tố đặc thù như nồng độ khí, tro, bụi cao và nguy cơ sập hầm, lũ lụt trong mỏ dưới lòng đất, khai thác thông minh dựa trên video độ phân giải cao là phương án tối ưu nhất để cải thiện năng suất của ngành mỏ. Tuy nhiên kết nối wifi, 4G không đáp ứng được nhu cầu truyền tải. Đến khi 5G xuất hiện, vấn đề mới thật sự được giải quyết. Mạng 5G tích hợp được phủ sóng khắp mỏ Dahaize để kết nối các cụm robot, hệ thống phân tích video bằng AI, xe không người lái, drone, thiết bị đeo thông minh, các ứng dụng tương tác vào và đào hầm thông minh đã thay đổi đáng kể cách thức hoạt động của ngành khai thác mỏ.

Global Times nhận định 5G đã mang lại những thay đổi mang tính cách mạng cho ngành công nghiệp Trung Quốc. Nhiều khu công nghiệp 5G được thành lập ở các thành phố lớn từ Thượng Hải đến Đại Liên.

Còn trong lĩnh vực đô thị thông minh, 5G đã giúp cảng Thanh Đảo ở miền bắc Trung Quốc vận hành hoàn toàn tự động đầu tiên ở châu Á. Thanh Đảo đã lập kỷ lục thế giới về hiệu quả bốc dỡ container nhờ khả năng làm mới dữ liệu ở mức mili giây thông qua kết nối 5G. China Telecom và nhà cung cấp hệ thống phun nhiên liệu Nanyuediankong cũng đã xây dựng một nhà máy thông minh, nơi robot được kết nối với tín hiệu 5G để thực hiện chính xác nhiệm vụ thay con người.

Trong khi mô hình ứng dụng 5G đang được nhân rộng trong nhiều lĩnh vực, các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm mạng 5.5G và đạt được những bước tiến đột phá.

Tại Diễn đàn Băng thông rộng di động toàn cầu (MBBF 2023) ở Dubai ngày 10-11/10, Huawei và nhà mạng Du giới thiệu biệt thự mẫu trang bị công nghệ kết nối 5.5G, hay 5G-A, đầu tiên trên thế giới. Theo Huawei, những gì 5G đem đến chưa đủ xây dựng một thế giới thông minh và kết nối toàn diện. Nguyên nhân là 5G ở điều kiện lý tưởng cho tốc độ tải xuống tối đa 10 Gb/giây, nhưng trên thực tế chỉ đạt được từ 800 Mb/giây đến 1 Gb/giây.

Do đó, tháng 6/2022, liên minh gồm Huawei, China Mobile và một số công ty Trung Quốc đã công bố mạng nâng cao 5G-A. Xét về tốc độ, 5.5G vượt trội so với 5G khi đạt tốc độ tải xuống 10 Gb/giây, tải lên 1 GB/giây, hỗ trợ tốt các dịch vụ mới như XR và 3D không cần kính. Trong kỷ nguyên dữ liệu khổng lồ được đưa lên đám mây, tính năng livestream và công nghệ ba chiều trở nên phổ biến, 5,5G được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành khác nhau.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã thành lập nhóm Thúc đẩy Nghiên cứu Phát triển Quốc gia về 6G từ 2019. Theo kỳ vọng, 6G ước đạt tốc độ 1 TB/giây, gấp 100 lần 5G. Công nghệ 6G được đánh giá sẽ là nền tảng cho kỷ nguyên thông minh, nơi AI và robot trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Kết nối 6G tương lai không chỉ giúp con người tương tác với nhau mà còn giúp kết nối giữa thiết bị với thiết bị nhờ khả năng truyền tải dữ liệu tốc độ cao.
 
Bên trên