Tư tưởng 'phải đi du lịch từ khi còn trẻ'

TRUONGTRINH

Well-known member
60 tuổi đi du lịch vẫn chưa muộn, nhưng ở tuổi đó bạn mới lo kiếm tiền mua nhà thì e rằng làm không nổi nữa.


Tôi có một người bạn trước đây thu nhập cũng khá, chưa đầy 30 tuổi nhưng lương đã đạt mốc 40 triệu đồng một tháng. Bạn cũng có sở thích đi du lịch khá nhiều. Với du lịch nước ngoài, bạn chỉ đi được loanh quanh các nước châu Á và thấy thoải mái với điều đó. Tôi cho rằng tiền của họ thì họ có quyền tiêu.

Nhưng gần đây, công việc gián đoạn, sức khỏe của bạn cũng có vấn đề, chạy chữa khi đau ốm cũng tốn của bạn một khoản lớn. Thế nên, bạn bắt đầu lo lắng về số tiền tiết kiệm đang có trong tay. Kinh tế khó khăn, ngành của bạn làm lại chưa phục hồi sau dịch Covid-19, nên trong năm nay thu nhập của bạn vẫn giảm, chưa thể về được như trước dịch. Vậy là bạn bắt đầu thấy hối tiếc vì trước kia đã dành quá nhiều tiền cho việc du lịch.

Tôi thấy một bộ phận không nhỏ người trẻ là coi việc đi du lịch như một cơ hội mở mang kiến thức, nghề nghiệp. Tôi cho rằng đó là sai lầm. Họ không biết rằng chỉ có một số ngành nghề nhất định mới như thế, chứ thử hỏi làm IT thì đi du lịch cũng chỉ mang tính chất giải trí, nghỉ dưỡng là chính chứ tạo được cơ hội gì cho nghề nghiệp?

Đúng là đi du lịch có nhiều lợi ích, nhưng không phải ai cũng cần phải cố sống cố chết, dành hết tiền bạc để đi nhiều nhất có thể, đến nỗi không còn tiền cho các mục tiêu khác. Người ta làm mỗi tháng 30 triệu đồng, nhưng có nhà rồi, thì họ có thể dành 10 triệu đồng để đi du lịch hàng tháng. Nhưng nếu bạn xuất thân kém hơn, nghèo hơn, chưa có tích lũy gì đáng kể, thu nhập cũng 30 triệu đồng, mà đua đòi như người khác thì rất dở.

Lẽ ra, bạn chỉ nên dành 3 triệu đồng để đi du lịch mà thôi, còn lại dành một phần để mua nhà. Ưu tiên hàng đầu vẫn phải là ổn định cuộc sống, đừng chỉ chăm chăm đi chơi, hưởng thụ, rồi nhỡ mất việc thì sao? Đợt dịch vừa rồi là một ví dụ, ai đảm bảo mai kia chúng ta không phải đối mặt thêm những dịch bệnh mới.

>> 'Tư tưởng hưởng thụ khiến nhiều người trẻ khó mua nhà'

Cũng đừng biện minh rằng đi du lịch nước ngoài để mở mang vốn ngoại ngữ, hỗ trợ cho công việc. Có những người chưa từng đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn nói thạo tiếng Anh. Bạn muốn thông thạo ngoại ngữ, hãy làm việc trong môi trường sử dụng nhiều tiếng Anh. Còn bạn muốn được tiếp cận với văn hóa xếp hàng, văn minh, lịch sự, cũng chẳng cần đi đâu để học cả. Hãy làm điều đó ở chính Việt Nam nếu bạn muốn, lâu dần nó sẽ trở thành thói quen.

Bạn có thể sang Singapore du lịch và vứt rác rất đúng quy định trong ba ngày ở đó. Nhưng nếu thói quen gọn gàng, lịch sự không được rèn luyện liên tục trong thời gian dài, thì ngay khi về Việt Nam, bạn sẽ lại vứt rác bừa bãi mà thôi. Tôi từng thấy người phương Tây xả rác trên đường phố Hà Nội rồi, nên đừng ảo tưởng rằng sang một đát nước văn minh, phát triển thì bạn cũng có thể trở thành một người lịch sự, văn minh.

Tóm lại, điều quan trọng không phải là bạn tiêu bao nhiêu tiền, tiêu vào việc gì, mà là số tiền bạn tiêu chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thu nhập của bạn. Chi cho việc giáo dục của con cái là một khoản chi đúng đắn, ai cũng công nhận điều đó. Nhưng bây giờ nếu hai vợ chồng tôi tổng thu nhập chỉ có 50 triệu đồng một tháng, không có nguồn thu khác, tích lũy chỉ mới được vài trăm triệu đồng, nhưng tôi cứ cố cho con vào học trường quốc tế với mức học phí 50 triệu đồng một tháng thì liệu có không? Nhỡ may vợ chồng tôi thất nghiệp thì không lẽ con tôi phải chuyển trường theo?

Quay lại vấn đề đi du lịch, bạn đi du lịch châu Âu hết vài trăm triệu đồng cũng không phải vấn đề, nếu nó chiếm một tỷ lệ phần trăm nhỏ trong thu nhập của bạn. Nhà ở, tiền tích lũy, cố gắng để có nguồn thu nhập thụ động, phòng trừ các rủi ro... mới là vấn đề căn cốt của cuộc sống và bạn phải thực hiện những điều này song song với việc đi du lịch và hưởng thụ.

60 tuổi đi du lịch vẫn chưa muộn, nhưng ở tuổi đó bạn mới lo kiếm tiền mua nhà thì e rằng làm không nổi nữa.
 
Bên trên