Từng kiểm soát 50% thị phần bán dẫn toàn cầu nhưng giờ chỉ còn dưới 10%, vì sao Nhật Bản ra cơ sự này?

Thanh Thúy

Well-known member
Trước khi có sự ra đời của bán dẫn, đèn điện tử chân không được sử dụng trong radar và máy tính thời kỳ đầu để điều khiển dòng điện. Tuy nhiên, đèn điện tử cồng kềnh, kém tin cậy và tiêu tốn nhiều năng lượng. Năm 1948, Bell Labs của Mỹ phát minh ra transistor mở ra kỷ nguyên mới cho ngành điện tử. Transistor được làm từ chất bán dẫn, có khả năng đóng mở và khuếch đại dòng điện với hiệu suất vượt trội so với đèn điện tử chân không.

Sự trỗi dậy của Nhật Bản
Năm 1958, khái niệm về vi mạch tích hợp (IC) ra đời, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành bán dẫn hiện đại. Gordon Moore, một kỹ sư tại Fairchild Semiconductor, đã đưa ra "định luật Moore" nổi tiếng, dự đoán mật độ IC sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 1,5-2 năm.

Sau khi Moore đồng sáng lập Intel vào năm 1968, công ty đã cho ra mắt DRAM đầu tiên trên thế giới vào năm 1970, thay thế bộ nhớ lõi từ tính truyền thống. DRAM cách mạng hóa ngành công nghiệp máy tính và Nhật Bản đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.

Mặc dù bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến II, Nhật Bản đã được Mỹ hỗ trợ cấp phép và phát triển công nghệ transistor. Sony là một ví dụ điển hình. Bằng cách cấp phép sản xuất transistor từ Western Electric, Sony đã tạo ra chiếc radio transistor đầu tiên trên thế giới, rồi nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường điện tử toàn cầu.


1722850619323.png

Đài bán dẫn đầu tiên trên thế giới của Sony

Từ những năm 1970 đến đầu những năm 1980, các công ty Nhật Bản như Hitachi, Toshiba, Fujitsu và NEC đã vươn lên dẫn đầu thế giới về sản xuất DRAM. Năm 1986, Nhật Bản vượt qua Mỹ về sản lượng bán dẫn nói chung, đồng thời chiếm 80% thị phần DRAM toàn cầu. Sự thống trị này khiến các công ty Mỹ lo ngại. Họ cáo buộc Nhật Bản cạnh tranh không lành mạnh và gây áp lực buộc chính phủ Mỹ phải hành động.

Mỹ đã ép buộc Nhật Bản ký vào "Hiệp định Bán dẫn Mỹ - Nhật" nhằm hạn chế xuất khẩu DRAM sang nước này. Cùng với đó là những hiệp định kinh tế khác khiến không chỉ bán dẫn mà nhiều ngành nghề khác chịu tổn thất nghiêm trọng, làm đứt đoạn đà tăng trưởng xuất khẩu của hàng hóa vào Mỹ. Đó chính là hành vi bảo hộ kinh tế khi các công ty nội địa không thể cạnh tranh với đối thủ đến từ Nhật.
Bước ngoặt và sự thoái trào
Mặc dù Hiệp định Bán dẫn không gây thiệt hại đáng kể cho các công ty Nhật Bản, nhưng nó đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Hàn Quốc. Intel, sau khi rút lui khỏi thị trường DRAM, đã tập trung vào CPU cho PC, mở đường cho sự bùng nổ của thị trường máy tính cá nhân vào những năm 1990.

Cùng lúc đó, Samsung Electronics ở Hàn Quốc nổi lên như một thế lực mới trong ngành DRAM. Samsung được hưởng lợi từ chi phí sản xuất thấp hơn và sự hỗ trợ về công nghệ từ Intel, nhanh chóng giành thị phần từ các công ty Nhật Bản.

chip made in japan.jpg

Ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản từng chiếm 50% thị phần toàn cầu

Đến những năm 1990, máy tính lớn (mainframe) - khách hàng chính của DRAM Nhật Bản - đã bị thay thế bởi máy tính cá nhân. Intel nhờ sự trỗi dậy của PC và chiến lược hợp tác với Samsung, đã giành lại vị thế thống trị trong ngành bán dẫn.

Thị phần toàn cầu của Nhật Bản giảm dần, trong khi thị phần doanh nghiệp nước ngoài tại Nhật Bản tăng lên 20% vào năm 1996, dẫn đến việc Hiệp định Bán dẫn Mỹ - Nhật hết hiệu lực. Từ một quốc gia thống trị, ngành bán dẫn Nhật Bản bước vào giai đoạn thoái trào.

Câu chuyện về ngành bán dẫn Nhật Bản là minh chứng rõ nét cho sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực công nghệ. Sự chủ quan, thiếu nhạy bén trong việc thích ứng với xu hướng mới khiến họ đánh mất vị thế dẫn đầu.
 
Bên trên