Nguyệt Phan
Well-known member
Trong xu thế mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới, hoạt động du lịch, dịch vụ ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng trưởng GDP của cả nước. Hội nhập vừa mang lại cơ hội đồng thời cũng có nhiều thách thức trong tiến trình phát triển. Tiến sỹ Trịnh Xuân Dũng, một người để tâm nghiên cứu nhiều lĩnh vực hoạt động về dịch vụ và du lịch trong nhiều năm đã đưa ra một số vấn đề trong quá trình nghiên cứu lý luận và tìm hiểu thực tiễn. Trang tin vietnamtourism.gov.vn xin giới thiệu loạt bài về ẩm thực - một hoạt động quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Bài 1: “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”1 Trong hội thảo Marketing tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Philp Kotler, người được coi là một trong những nhà sáng lập trường phái marketing hiện đại của thế giới đã gợi ý: “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”. Điều này có lẽ xuất phát từ việc các món ăn Việt Nam được rất nhiều người nước ngoài yêu thích. Món ăn của Việt Nam ít dầu, mỡ hơn món ăn Trung Quốc, ít cay hơn món ăn của Thái Lan và Hàn Quốc, ít thịt hơn các món ăn của châu Âu và nhẹ nhàng, dễ tiêu hoá sau khi ăn. Trong chế biến cũng như trong trang trí và kết hợp gia vị cho các món ăn đã ứng dụng nguyên lý điều hoà Âm-Dương[2] cho thực khách. Nhiều món ăn của Việt Nam có tác dụng chữa một số bệnh của thời đại như: béo phì, gút, tiểu đường, mỡ trong máu… Nguyên liệu và thực phẩm chế biến các món ăn rất phong phú, đa dạng và đều là sản vật của thiên nhiên. Thuỷ, hải sản của Việt Nam rất đa dạng về chủng loại và chất lượng, hiện nay mặt hàng này đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu. Gia súc, gia cầm đã và đang phát triển theo hướng công nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm xuất khẩu. Rau, củ, quả, hạt có quanh năm và ở mọi miền, đặc biệt gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều là những sản phẩm xuất khẩu với số lượng lớn.Bên cạnh đó, những gia vị để tạo ra các món ăn ngon cũng rất đa dạng, từ các loại rau (thơm, húng, tía tô, hành…), các loại củ (gừng, riềng), các loại quả (thảo quả, me, xoài, cà chua,…) đến các loại nước chấm (tương, nước mắm,…) đã tạo ra tính độc đáo của món ăn Việt Nam. Mỗi miền, mỗi vùng quê có những món ăn đặc sản do quy trình chế biến và kết hợp gia vị để tạo ra món ăn độc đáo, hấp dẫn. Nói đến ăn phải kèm theo đồ uống, đồ uống của Việt Nam cũng rất phong phú và đa dạng. Từ sản vật của tự nhiên như nước khoáng, nước chè, nước vối, cà phê, các loại nước hoa quả (cam, ổi, xoài, chanh...) đến những đồ uống do nhân dân tự chế biến như rượu nếp các loại rượu khác, đó là chưa kể đến việc chế biến các đồ uống công nghiệp như nước giải khát, nước quả đóng hộp, bia và rượu của các doanh nghiệp Việt Nam. Một doanh nhân nổi tiếng người Mỹ đã khuyên con cháu mình “chỉ nên tập trung kinh doanh hai ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống và xăng dầu không bao giờ thất nghiệp và bao giờ cũng thu được lợi nhuận cao”. Các nhà kinh tế đã tổng kết khi GDP tăng 1% thì doanh thu của ngành dịch vụ phục vụ món ăn và đồ uống tăng thêm 1,5%. Đối với ngành du lịch, chi phí cho thức ăn, đồ uống trong tổng chi phí của chuyến đi du lịch khoảng từ 18-20%[3]. Tại Mỹ, doanh thu từ dịch vụ phục vụ thức ăn, đồ uống tại các khách sạn lớn chiếm 30% trong tổng doanh thu[4]. Điều quan trọng, các dịch vụ này là nơi “xuất khẩu tại chỗ” và làm gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ hải sản và công nghiệp chế biến thực phẩm. Giá của 1kg cà chua khi bán trên thị trường chưa được 1 USD, nhưng khi đem vào nhà hàng, khách sạn chế biến thành món salat sẽ tăng gấp chục lần. Giá một kg thịt gà khoảng 3 USD, nhưng khi được chế biến thành món ăn trong khách sạn sẽ tăng lên gấp gần mười lần. Sản phẩm của cà phê Trung Nguyên có mặt trên các nước trong khu vực không chỉ là Trung Nguyên mà là Việt Nam. Báo chí đã viết rằng giá 1 kg cà phê hạt là 1 USD, nhưng chế biến 1 kg cà phê để bán cho người tiêu dùng cho vào cốc cà phê thì giá sẽ lên tới 600 USD[5]. Theo kết quả nghiên cứu, dịch vụ phục vụ ăn, uống làm gia tăng giá trị của các sản phẩm trên tới 300% và thu được lợi nhuận từ 40-50% trong tổng doanh thu[6]. Kinh doanh dịch vụ phục vụ ăn, uống không chỉ đem lại lợi nhuận cao, tạo thị trường và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn là phương pháp quảng bá về hình ảnh của dân tộc rất quan trọng. Các nước phát triển du lịch đều tập trung cho việc tạo hình ảnh của đất nước mình thông qua thương hiệu của doanh nghiệp và của các món ăn và đồ uống. Không phải ngẫu nhiên ở các nước châu Âu, châu Mỹ, Úc... có rất nhiều nhà hàng của Trung Quốc (Chinese Foods), nhà hàng Thái Lan (Thai Foods), nhà hàng Nhật Bản (Japanese Foods), nhà hàng Hàn Quốc (Koeran Foods)... đó chưa kể những nhà hàng nổi tiếng của châu Âu và châu Mỹ đã và đang thâm nhập vào các thị trường mới mẻ. Ngay tại nước ta, từ khi mở cửa và hội nhập nhiều nhà hàng của các nước từ châu Âu (nhà hàng Italia, nhà hàng Pháp), châu Á (nhà hàng Trung Quốc, nhà hàng Hàn Quốc, nhà hàng Nhật Bản, nhà hàng Thái Lan...) đã mở tại các thành phố lớn (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội,...) hay ở các khu du lịch. Sự gợi ý của nhà marketing Philip Kotler là một vấn đề các ngành, các cấp cần suy nghĩ và xây dựng chiến lược phát triển ẩm thực dân tộc và hệ thống nhà hàng của Việt Nam nhằm hội nhập với khu vực và thế giới, đồng thời nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong tâm trí cộng đồng quốc tế. Mặt khác, đó cũng là một trong nhiều biện pháp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam thông qua văn hoá ẩm thực. |