Vấn nạn khách Tây ăn xin trên đường phố Châu Á

Võ Xuân Trường

Well-known member
Vấn nạn khách Tây ăn xin trên đường phố Châu Á

Khách Tây ăn xin trên đường phố Châu Á đang trở thành một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Vấn nạn khách Tây ăn xin trên đường phố Châu Á



Giáo sư Stephen Pratt đóng giả một người ăn xin để thực hiện nghiên cứu thực địa ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Stephen Pratt/CNN
Ngay sau khi Ashley James, một người dân Hong Kong (Trung Quốc), lần đầu tiên nhìn thấy “begpacker” (tạm dịch: khách du lịch ăn xin) trên đường phố vào mùa xuân năm 2023, trong đầu anh ấy xuất hiện hai luồng suy nghĩ tức thời: khách du lịch đã thật sự trở lại Châu Á và đến lúc tạo ra một số hình ảnh hài hước về xu hướng này.
Anh ấy đã chia sẻ trên trang Instagram Chaotic Hong Kong Expats bức ảnh một du khách đang ngồi trên vỉa hè một con đường đông đúc với một cốc tiền lẻ và một tấm biển dựng trước mặt họ. Trên tấm biển có viết: “Thiên nhiên đang hồi phục, những khách du lịch ăn xin đã trở lại”.
Nếu bạn đã từng nhìn thấy một thanh niên tóc bù xù bán vòng tay tết thủ công hoặc chơi trống gần một điểm thu hút khách du lịch, có lẽ bạn đã quen thuộc với khái niệm khách du lịch hành nghề ăn xin.
Thuật ngữ “begpakers” vốn là từ ghép của “begging” (ăn xin) và “backpacking” (Tây ba lô) và thường được sử dụng để mô tả những người xin tiền người đi đường để có thêm chi phí trang trải cho chuyến du lịch của họ.
Thông thường, các điểm đến ở Đông Nam và Nam Á của họ là Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, việc xin tiền là bất hợp pháp.
Ngày bình thường của một begpacker
Stephen Pratt, Trưởng khoa quản lý khách sạn thuộc Đại học Central Florida, là một người hiểu rõ về những khách Tây ăn xin hơn hầu hết mọi người vì anh ấy đã nghiên cứu hiện tượng này từ góc độ học thuật.
Khi học cao học tại Đại học Bách khoa Hong Kong (Trung Quốc), anh và một số đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu thực địa. Pratt - thành viên giới tính nam, da trắng, nói tiếng Anh bản ngữ, duy nhất trong nhóm - tình nguyện đóng giả làm người ăn xin.
Chuẩn bị một cây đàn ukulele và một tấm biển ghi “Xin hãy giúp tôi thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới” bằng tiếng Trung, anh ấy đã chọn đứng tại một công viên sầm uất ở quận Kowloon, Hong Kong (Trung Quốc).
Một đồng nghiệp nói tiếng Trung Quốc khác cũng đứng đợi gần đó để xem những ai đã đi qua và cho tiền Pratt, sau đó sát lại gần để đặt câu hỏi. Trong một số trường hợp, họ trả lại người đi đường số tiền đã quyên góp.
Pratt đóng giả một khách du lịch ăn xin trên đường phố đảo Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Stephen Pratt
Pratt đóng giả một khách du lịch ăn xin trên đường phố đảo Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Stephen PrattTừ quan sát của mình, Pratt giải thích, những người ăn xin có thể được chia thành ba loại: những người hát rong (chơi nhạc hoặc biểu diễn), những người bán hàng (chẳng hạn như đồ trang sức, bưu thiếp hoặc dịch vụ như tết tóc) và những người chỉ có mục đích xin tiền đơn thuần.
Đổi lại, những người qua đường sẽ có những phản ứng khác nhau với tuỳ từng nhóm khách du lịch ăn xin.
Trong quá trình nghiên cứu của Pratt, hầu hết những người cho anh tiền đều đề cập đến chiếc đàn ukulele, ngay cả khi anh ấy chơi đàn không hay. Họ đánh giá cao sự nỗ lực của anh ấy.
Gặp phải sự kì thị tất yếu
Không rõ việc ăn xin đã tồn tại bao lâu nhưng trong cuốn sách “A Time of Gifts”, nhà văn người Anh Patrick Leigh Fermor đã kể lại việc ông đã từng ngồi lề đường bán những bức hoạ để kiếm tiền trong suốt chuyến đi bộ đường dài xuyên châu Âu vào năm 1933 của mình.
Nhưng trong thời đại của mạng xã hội, điều này bị đánh giá là hành động đáng xấu hổ. Vì thế, theo Pratt, khách du lịch cần phải xem bản thân có đáp ứng đủ các nhu cầu tài chính trước khi họ bắt đầu cuộc phiêu lưu.
Pratt nói: “(Sự xấu hổ này) làm dấy lên quan điểm, 'có phải du lịch nước ngoài chỉ dành cho một tầng lớp người nhất định hoặc những người có thu nhập nhất định?'. Tôi nghĩ bản thân khách du lịch hiện nay phải chịu trách nhiệm nhiều hơn so với thời gian trước đây.”
Will Hatton, người sáng lập trang web tư vấn du lịch tiết kiệm The Broke Backpacker, lại thẳng thắn bác bỏ từ “ăn mày” và những ý nghĩa tiêu cực đi kèm với nó: “Tôi chắc chắn không tán thành những người ngồi ăn xin trên lề đường. Nhưng về những người bán đồ để có thể đi du lịch nhiều hơn, đó là những người sẵn sàng lên đường, những người dũng cảm và muốn khám phá một cách sống khác”.
Còn Joshua Bernstein, giảng viên Viện Ngôn ngữ tại Đại học Thamassat ở Thái Lan, bày tỏ: “Tôi nghĩ phần lớn cơn thịnh nộ này là từ người nước ngoài”.
Bởi Bernstein đã quan sát những người ăn xin ở Bangkok và kết luận rằng người dân địa phương chỉ quan tâm đến việc dừng lại, trò chuyện hoặc mua đồ hơn việc đó là người nước ngoài.
“Có những quy định “ngầm” mà chỉ người nước ngoài hiểu với nhau. Đôi khi họ sẽ suy nghĩ rằng: 'Tôi không muốn anh làm mọi thứ tệ đi' hoặc 'Tôi không muốn anh khiến tôi mất mặt'. Có rất nhiều người nghĩ như vậy”, anh nói thêm.
Anh ấy chỉ ra rằng những người ăn xin không giàu có. Họ ở trong những nhà trọ rẻ tiền giá vài đô la một đêm và mua thức ăn đường phố, không dùng bữa trong nhà hàng được xếp hạng sao Michelin.
Đối với James, sự khinh miệt đối với những người được gọi là khách du lịch ăn xin gói gọn trong một từ duy nhất: quyền lợi.
“Hong Kong là một thành phố rất đắt đỏ để sinh sống và mức lương trung bình hàng tháng hơn 1.915 USD. Giá thuê nhà quá cao, người dân địa phương còn phải sống trong nhà lồng và không có đủ khả năng để sống ở đây.
Tại sao bạn lại tới một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới và yêu cầu chúng tôi mua một chuỗi vòng giúp bạn? Du lịch vốn dĩ là một trải nghiệm xa xỉ và những người nói rằng 'hãy trả tiền cho chuyến đi của tôi' thật lố bịch khi tự cho mình cái quyền ấy”.
Nỗi băn khoăn về hộ chiếu quyền lực
Luật sư về nhân quyền người Philippines, Raphael Pangalangan đã viết một bài báo vào tháng 4.2023 rằng những người ăn xin đã nêu bật hiện tượng “đặc quyền hộ chiếu”.
Thuật ngữ này được sử dụng để nói về sự phân biệt trong việc cấp hộ chiếu giữa các nước. Ví dụ, những du khách sinh sống tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu có thể tự do đi lại khắp lục địa trong khi đó những người như luật sư Pangalangan lại phải chờ đợi quá trình dài làm thủ tục visa để đảm bảo việc đi nước ngoài không xảy ra bất cứ vấn đề gì.
“Việc đi ăn xin phơi bày tiêu chuẩn kép về đặc quyền hộ chiếu và cho thấy sự bất bình đẳng cố hữu trong xã hội toàn cầu của chúng ta”.
Pangalangan viết: “Nếu chiếc giày nằm ở chân bên kia, việc ăn xin sẽ được gọi đơn giản là lang thang”.
Còn Will Hatton tin rằng sự xấu hổ bao vây những người ăn xin chủ yếu xoay quanh vấn đề chủng tộc hơn là giai cấp hoặc ý thức cộng đồng.
Anh cho hay: “Mọi người thường nghĩ những người đến từ các nước phát triển rất giàu có. Chỉ đúng một phần, nhưng ở đó, vẫn có những người nghèo và thậm chí có người phải đi hát rong để nuôi sống bản thân. 90% tầng lớp này được gọi là những người ăn xin”.
Anh nói thêm: “Mọi sự thù địch hầu hết có xu hướng bắt nguồn từ màu da”.
Tương lai của khách Tây ăn xin
Châu Á mở cửa du lịch sau đại dịch chậm hơn so với các quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Do đó, vẫn chưa rõ liệu những người được gọi là người ăn xin sẽ quay trở lại khu vực “xin ăn” truyền thống của họ không hay liệu “nghề nghiệp” này của họ đã kết thúc.
Trong những tháng gần đây, những bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội về người ăn xin ở Malaysia, Indonesia và Hong Kong (Trung Quốc) đã khơi lại cuộc tranh luận về vấn đề này. Nhưng Bernstein, giáo sư ở Thái Lan, tin rằng kiểu “nghề nghiệp” này đang chuyển sang hoạt động trực tuyến.
Nhiều người trong số họ đang cố gắng kêu gọi quyên góp tiền để đi du lịch, từ các trang web lâu đời như Go Fund Me hay một số khách du lịch lựa chọn xây dựng các tài khoản xã hội, thu hút lượt theo dõi trực tuyến và nhờ người hâm mộ hỗ trợ tài chính, tặng quà... cho họ.
Phải chăng những người hát rong đường phố của ngày hôm qua đều trở thành người sáng tạo nội dung (content creator) của ngày hôm nay?
 
Bên trên