Về quê lể ốc

Hải Vy

Well-known member
Chiều phố thị, bạn từ quê xa gửi cho tôi tấm hình, rủ: “Về quê lể ốc bạn ơi!” Chỉ thế thôi, bao nhiêu thương nhớ khắc khoải ùa về…


Ốc lể, hay ốc ruốc là con ốc biển bé tí bằng đầu ngón tay, thân xoáy tròn với nhiều sắc màu, là món quà mà biển ban tặng cho người dân quê tôi. Mùa này, dạo quanh một vòng chợ quê hoặc vài ngả đường, sẽ thấy vài chiếc bàn con hoặc ghế đẩu bày bán ốc lể. Để giữ ốc nóng hôi hổi, người bán thường đựng trong thùng nhựa giữ nhiệt hoặc các thau nhôm có lò than bên dưới. Sạp nào bán ốc nguội, bà bán hàng không quên dặn người mua về nhớ hâm nóng trước khi ăn. Hơi nóng từ ốc lể bay lên, hòa quyện mùi mắm sả, lá chanh thơm phưng phức, đủ sức níu chân bất kỳ vị khách nào chạy xe ngang qua.

Chừng sau tết là ngư dân đã bắt đầu đi cào ốc. Nhưng ốc ruốc đầu mùa cực nhỏ, phải đợi cuối tháng Ba đến tháng Tư mới có những con ốc to và ngon hơn. Ốc ruốc được cào từ lớp cát mịn nơi bờ biển, đem về ngâm nước cho sạch cát, rồi xào với dầu phụng, sả ớt, thêm ít mắm muối, bột ngọt cho đậm đà. Gia vị thêm thắt tùy thuộc vào người nấu và người ăn. Nếu thấy hơi lạt, má tôi thường chao thêm chút gia vị vào món ốc mua về. Có khi còn thêm vào ít hành phi để tăng độ thơm ngon của ốc ruốc.


Món ốc lể có những điều đặc biệt không thể sai khác, dù được bày bán ở bất kỳ đâu. Người ta làm sạch lon sữa đặc và khoét bỏ một đầu nắp, dùng để đong ốc lể. Lể ốc phải dùng gai chanh. Dùng đầu nhọn của gai ngoáy vào sâu bên trong thân con ốc, kéo ra được thịt ốc nhỏ như đầu tăm, ăn chẳng mắc nổi kẽ răng. Ấy thế mà cái vị beo béo, mặn ngọt cay thơm đọng nơi đầu lưỡi lại khiến ta không thể nào rời đi được. Đôi tay cứ thoăn thoắt, cắm cúi hí hoáy lể hết con ốc này tới con ốc khác. Đợi lúc đứng lên, có khi nghe tiếng răng rắc từ lưng hoặc đầu gối mỏi.

Vào thời điểm này, nhiều người đi chợ không thể bỏ qua hàng ốc lể
Vào thời điểm này, nhiều người đi chợ không thể bỏ qua hàng ốc lể
Cái thú lể ốc khiến người ta ghiền bởi vì hiếm có ai ngồi ăn một mình. Lể ốc phải có tụ, bạn bè í ới nhau, mấy bà hàng xóm cùng quây quần bày tô ốc trên nền nhà, ngồi xếp bằng vừa lể vừa rôm rả chuyện trò đủ thứ trên trời dưới đất. Càng lể ốc càng mê chính vì lẽ đó. Đôi lúc mấy đứa nhỏ còn bày trò “lừa” lưỡi ốc rồi phun vào mặt nhau mà cười rộn rã. Ai mà ăn ốc lể một mình thì hẳn phải cực kỳ kiên nhẫn hoặc là thèm dữ lắm.

Ví như tôi một chiều giữa phố xá quay quắt nhớ món ốc ruốc quê nhà. Hồi đó, cứ mỗi hoàng hôn mùa hè, tôi vẫn thường mua mấy lon ốc về ngồi lể ngay hiên nhà. Ba tôi bị tật ở ngón cái tay trái, nên ông không thể cầm nắm được con ốc bé tí. Thế là, tôi lể một lần mười mấy con ốc, cắm sẵn nơi đầu gai chanh hoặc cho ra muỗng để ba ăn cùng chúng tôi. Không được tận hưởng cảm giác tự tay lể từng con ốc, nhưng nghe con gái luyên thuyên kể chuyện khiến ba cứ nheo mắt cười mãi. Cơn gió đầu hè thổi mát tuổi thơ tôi những chiều ngồi lể ốc bên cạnh ba. Bây giờ, dù tôi có về lại căn nhà cũ thì ba cũng chẳng còn ở đó nữa, để tôi vừa lể ốc vừa tỉ tê đủ chuyện cỏn con trên đời. Ba tôi đã về với mây trời trắng bay vào mùa xuân 7 năm trước. Chỉ món ốc lể là vẫn ở đó chờ tôi.

Trong tấm hình bạn gửi tôi, bịch ốc ruốc được bạn đặt ngay trên bàn làm việc ở cơ quan, cùng lể với đồng nghiệp. Dường như, dù có lớn bao nhiêu, món ăn khoái khẩu lúc nhỏ cũng không thể nào thay đổi. Tôi vẫn còn nhớ như in cô bạn ngày xưa ấy, tay trái bụm nguyên một vốc ốc lớn, tay phải nhịp nhàng lể. Tới khi hết mấy lon ốc, lại la oai oái vì ớt dính tay cay nóng phừng phực. Nhưng có một điều nay đã khác là chúng tôi không còn rửa sạch vỏ ốc ruốc đem phơi khô rồi xâu chuỗi đeo cổ đeo tay hoặc gắn lên đồ vật trang trí. Bộ sưu tập vỏ ốc thuở mộng mơ giờ thành chút kỷ niệm đáng quý mãi lưu giữ trong đời.

Mộc Yên
 
Bên trên