Windows 11 sau 1 năm: mọi thứ mới chỉ bắt đầu mà thôi

toringuyen0509

Well-known member
#Tinhtelookback: Windows 11 sau 1 năm: mọi thứ mới chỉ bắt đầu mà thôi


Ngày 5/10/2021 sẽ là ngày mà anh em sử dụng Windows nhận ra rằng Windows 10 trên máy tính của mình không phải là phiên bản Windows cuối cùng theo như lời CEO Satya Nadella nói, vì đó là ngày mà Windows 11 chính thức ra mắt và cho phép người dùng trên toàn cầu tải xuống và cài đặt trên những thiết bị đủ tiêu chuẩn.
Chưa nói đến những tính năng mới và thay đổi mới, việc các thiết bị phải đủ tiêu chuẩn phần cứng để cập nhật gây ra một sự bối rối rất lớn trong cộng đồng. Mình nhớ lúc đó trên Tinh tế có một cơn sốt thật sự về phiên bản Windows này, nhiều người lo lắng rằng liệu thiết bị của mình có được cập nhật hay không.
Windows 11 là phiên bản Windows bảo mật nhất từ trước đến nay của Microsoft
Với một loạt yêu cầu như TPM 2.0 (một vi mạch mà tới thời điểm đó nhiều người còn không biết nó có tồn tại trong thiết bị của mình hay không), Secure Boot, CPU Intel thế hệ 8 trở lên và AMD Ryzen 3000 series trở lên và một loạt tiêu chuẩn khác. Thậm chí nhiều máy tính thoả mãn hết các điều kiện nhưng vẫn không thể cập nhật được.

[IMG]

Theo Microsoft, TPM 2.0 là yêu cầu tối thiểu, yêu cầu đầu tiên để một thiết bị có thể chạy được Windows 11 mà không gặp lỗi gì quá nghiêm trọng, đặc biệt là về bảo mật. Đây là một vi mạch được tích hợp vào máy tính để cung cấp khả năng bảo mật dựa trên phần cứng của chính thiết bị đó. TPM viết tắt của Trusted Platform Module, thực ra nó đã xuất hiện trên laptop từ lâu rồi, nhưng Microsoft yêu cầu những thiết bị phải có nó thì mới cài được Windows 11.
Để hiểu rõ hơn về TPM 2.0, anh em có thể xem qua bài này:

Windows 11: cần TPM 2.0 để cài đặt được, nó là gì? Cách kiểm tra? Tại sao lại cần nó?
Nó là gì thế nhờ?! TPM là một con chip nằm trên bảng mạch máy tính dùng để bảo mật phần cứng. TPM viết tắt của Trusted Platform Module, còn được gọi là ISO / IEC 11889. TPM của ai? Tập đoàn công nghiệp máy tính có tên Trusted Computing Group…
tinhte.vn


Bên cạnh đó Windows 11 còn yêu cầu Secure Boot phải được bật, đây là một tính năng bảo mật trong UEFI và nó bảo vệ hệ thống trước khả năng malware can thiệp vào quy trình khởi động nhằm tiêm mã độc vào hệ điều hành ở cấp độ thấp. Trước đây những anh em muốn cài hệ điều hành khác thường sẽ tắt nó đi, nhưng Windows 11 yêu cầu nó phải được bật. Và còn nhiều yêu cầu khác nữa, nhưng qua đó cũng thấy rằng bảo mật là vấn đề mà Microsoft quan tâm hơn bao giờ hết và họ muốn hệ điều hành của họ sẽ an toàn cho hầu hết người dùng, cũng như là bàn đạp để Microsoft thuyết phục khối người dùng doanh nghiệp.


Windows 11 là phiên bản "chắp vá' của Windows 10? không phải vậy

Nhiều người cho là như vậy, nhưng cá nhân mình thì không. Khoan bàn đến những thay đổi về tầng hệ điều hành, ngay từ những thay đổi bên ngoài cũng đem lại một sự tươi mới so với Windows 10.


Trải nghiệm Windows 11 bản rò rỉ: Start Menu đẹp đấy, cửa sổ bo góc hết!
Mình đã download và trải nghiệm nhanh bản Windows 11 leak build, có một số điểm mới đáng chú ý, mời anh em xem nhé. Giao diện taskbar và Star Menu mới hoàn toàn Cứ mỗi bản Windows mới ra đời thì khu vực này là khu vực thay đổi nhiều nhất…
tinhte.vn


[IMG]

Start Menu khi bản leak đầu tiên được tung ra.

Với những bản Preview leak đầu tiên ra mắt hồi tháng 6, đúng nó là một sự pha trộn giữa Windows 10 và Windows 11 ở thời điểm hiện tại, nhưng suy cho cùng đó chỉ là bản leak, không thể nói lên điều gì và không thể phủ nhận Windows 11 là một bản Windows đẹp.
image.png

Và Start Menu của Windows 11 22H2 hiện tại.

Nhìn vào Start Menu, nhìn vào giao diện WinUI 3 với các góc bo tròn chúng ta thấy Windows bây giờ đã mềm mại hơn rất nhiều, sáng hơn rất nhiều. Mình không nhớ nhiều về Start Menu với các ô Live Tiles nữa, những icon tĩnh nhưng làm đẹp hơn thì mình thích hơn. và icon cũng là thứ thay đổi nhiều nhất, mang lại sức sống nhiều nhất cho Windows 11.
image.png

Anh em thích một Settings toàn chữ và những icon đơn điệu của Windows 10 hay có nhiều biểu tượng, màu sắc của Windows 11? Nhiều anh em mình tin rằng sẽ chọn Windows 11, bộ icon mới đem lại sự hiện đại cho Windows 11.

Taskbar, Control Panel và những menu cũ kĩ từ chục năm về trước là vấn đề còn tồn đọng khiến cho Windows 11 vẫn chưa phải là phiên bản hoàn hảo và đó là cơ sở để Microsoft cải tiến trong những phiên bản sau.

Đầu tiên Taskbar là một sự cải lùi của Windows 10, rất nhiều tính năng hay của Taskbar trên Windows 10 không hoặc chưa quay trở lại trên Windows 11 như "never combine", khả năng di chuyển taskbar, tuỳ chọn thanh taskbar nhỏ hơn...
[IMG]

Kế đến là Control Panel, dẫu bao nhiêu phiên bản Windows rồi thì nó vẫn ở đó, vẫn có những lúc chúng ta cần đến nó, chưa thể bỏ ngay được. Microsoft chắc họ cũng hiểu điều này và bản thân họ cõ lẽ cũng đang rất cố gắng, chúng ta phải chờ thôi.

Còn những menu cũ kĩ từ những thế hệ Windows cũ, như Device Manager, Disk Management hay Registry Editor thì sao? Nó là những thành phần rất quan trọng của Windows và nó liên quan đến rất nhiều hệ thống máy tính khác, không chỉ với người dùng cá nhân. Mình nghĩ rằng sự thay đổi cho những thành phần này sẽ còn khá lâu nữa.

Ứng dụng Android
[IMG]


Một tính năng vô cùng quan trọng và thú vị đến với người dùng Windows, như một câu trả lời cho Apple với macOS. Thế nhưng sau 1 năm thì ứng dụng Android trên Windows nó cũng chìm nghỉm như cái cách mà ứng dụng iOS chạy trên macOS vậy, không nhiều người cần đến nó như Microsoft nghĩ.

Việc sử dụng Amazon Appstore giới hạn khá nhiều về việc một ứng dụng Android hoạt động, nó thiếu các dịch vụ của Google và đó là điểm yếu chí tử. Nếu cài Google Play Store từ bên ngoài thì đem lại nhiều rủi ro cho người dùng, và bản thân người dùng cũng không xem đây là giải pháp tốt và lâu dài.

Hướng dẫn cài đặt ứng dụng Android trên Windows 11 mới nhất, đơn giản, dễ làm (bản 2022)
So với lần đầu tiên Microsoft ra mắt tính năng chạy ứng dụng Android trên Windows 11 thì sau 1 năm, việc cài đặt đã đơn giản hơn và chúng ta cũng có thể cài đặt một cách nhanh chóng. Trong bài này mình sẽ hướng dẫn anh em cách cài đặt ứng dụng…
tinhte.vn


Từ Windows 10 Microsoft đã hỗ trợ tốt cho Linux với hệ thống con dành cho nền tảng này, sau đó là hệ thống con cho Android. Nhưng thay vì Windows Subsystem for Linux tỏ ra hiệu quả với các lập trình viên và những người làm việc xây dựng hệ thống thì Windows Subsystem for Android lại chưa cho thấy sự nổi bật, đặc biệt với người dùng cuối.

Các ứng dụng Android hoạt động trên Windows vẫn phải qua máy ảo và hiệu suất đương nhiên sẽ không thể hoàn hảo như trên một chiếc điện thoại Android đúng nghĩa, đó cũng là trải nghiệm chưa ngon mà Microsoft cũng cần cải thiện trong những bản cập nhật kế tiếp, một cuộc bắt tay với Google chẳng hạn?

Windows 11 mở ra tương lai cho Windows Arm

Windows trên nền tảng Arm xuất hiện từ lâu rồi nhưng cho đến khi Windows 11 ra mắt, những thiết bị trang bị nền tảng Arm chạy Windows mới thực sự bước ra ánh sáng. So với những phiên bản Windows đi trước thì Windows 11 đã hỗ trợ tốt hơn rất nhiều cho ứng dụng x86/64 và cũng dần dần cho thấy nhiều ứng dụng hơn đã hỗ trợ Arm64 một cách hoàn toàn.
trainghiem_ThinkPad_x13s_tinhte (24).jpg

Nhưng mọi chuyện sẽ vẫn chỉ dừng lại ở việc chạy máy ảo thì Arm64EC sẽ là chìa khoá giúp Microsoft giải quyết dứt điểm câu chuyện thiếu vắng ứng dụng native cho nền tảng Arm.

Arm64EC được trông chờ rất nhiều và cá nhân mình cũng vậy, Apple chỉ mất 2 năm với Rosetta 2 để di chuyển một lượng ứng dụng đồ sộ từ việc hỗ trợ vi xử lý x86/64 sang Arm và nó hoạt động hoàn toàn mượt mà, thậm chí người dùng còn không biết nó đang được chạy trên Rosetta 2 nữa. Arm64EC sẽ tương tự như vậy, mặc dù hiện tại nền tảng máy ảo built-in của Windows 11 Arm cũng đã hoạt động khá tốt rồi, nhưng cá nhân mình dùng đôi khi vẫn nhận ra được sự chưa thực sự mượt mà của những ứng dụng chạy qua máy ảo, như Evernote hay Lightroom CC chẳng hạn (đều là ứng dụng x64).


Trải nghiệm Lenovo ThinkPad X13s: Windows Arm đã đến lúc toả sáng
Lenovo ThinkPad X13s thực sự là một chiếc laptop tuyệt vời cho trải nghiệm di động (chỉ 1kg), luôn luôn kết nối (5G) và sẵn sàng làm việc ở mọi lúc mọi nơi (Windows Arm), điều mà mình luôn mong chờ và mong mỏi ở một chiếc laptop.
tinhte.vn



Windows 11 22H2, phiên bản Windows 11 tuyệt vời nhất tính đến thời điểm hiện tại

Thứ tuyệt vời nhất chưa hẳn là thứ tốt nhất, nhưng nó làm chúng ta thoả mãn ở một góc độ nào đó thì cũng có thể xem là tuyệt, điều đó tương tự với Windows 11 22H2. Mất 1 năm để Microsoft tung ra một bản cập nhật lớn và chính bản thân họ cũng muốn vậy, thay vì cập nhật lớn 2-3 lần một năm dễ mang lại rủi ro thì 1 năm 1 lần như macOS cũng hay.

Windows 11 có lỗi không? Có chứ, lỗi đầy ra và mọi người vẫn đang "kêu gào" mỗi ngày và thật hạnh phúc khi tìm ra được cách khắc phục nó. Mình cũng phải mày mò để khắc phục một số lỗi có thể nói rất ngớ ngẩn khi dùng Windows 11 mà không thể liệt kê hết ra đây được. Nhưng chung quy lại phiên bản 22H2 nó đem lại một trải nghiệm tốt về tổng thể, với các tính năng bổ sung mà mình thấy rằng đa số chúng hữu dụng, anh em có thể tham khảo bài viết này để biết về những tính năng tuyệt vời của Windows 11 22H2.


Trải nghiệm với Windows 11 Insider build 22622 Beta: Mình bắt đầu yêu Windows 11 hơn
Có lẽ là tháng 9 tới đây, Microsoft sẽ chính thức tung ra bản cập nhật 22H2 dành cho toàn bộ người dùng Windows 11 của mình, đây chính là bản cập nhật lớn đầu tiên của Windows 11 (tên mã bản này là Sun Valley 2) và trong lần cập nhật này…
tinhte.vn



Có những tính năng đáng lẽ Microsoft phải ra mắt từ lâu rồi, và có những thứ đang hiện hữu mà Microsoft họ có thể thay đổi chỉ qua một bản cập nhật nhỏ, nhưng rồi mọi thứ vẫn còn ở đó và chờ những sự thay đổi trong tương lai.

Việc trông chờ tận 1 năm để có được những cập nhật trên thì có vẻ Microsoft hơi quá đáng với người dùng, nhưng đó là lựa chọn của họ, chúng ta vẫn có thể thưởng thức và đóng góp, cùng làm việc với họ qua chương trình Insider Program và đó là nơi mà Microsoft lắng nghe nhiều nhất.

Một khởi đầu mới

Mình rất thích Windows 11, chưa bao giờ mình yêu thích một phiên bản Windows nhiều đến như thế này. Một sự thay đổi và cố gắng loại bỏ đi những giao diện cũ kĩ để chuyển sang một giao diện hiện đại hơn, đơn giản hơn, dù không hoàn hảo. Đa số người dùng Windows sẽ cần phải học lại đôi chút về cách sử dụng và sẽ thấy nhớ khi thiếu vắng một số chức năng và như đã nói, Microsoft sẽ bổ sung một vài tính năng còn thiếu, nhưng mình nghĩ sẽ không phải tất cả.

Tất nhiên, mọi thứ chưa dừng lại ở đây, hay nói cách khác là mọi thứ mới chỉ vừa bắt đầu mà thôi. Windows 11 22H2 mới là một phần nhỏ trong một kế hoạch dài hạn của Microsoft mà chúng ta chưa thể biết được và còn rất nhiều điều thú vị đang chờ đón phía trước. Các vấn đề còn tồn đọng của Windows 11 có lẽ sẽ hẹn anh em ở một bài khác, ở đây chúng ta chỉ bàn đến những thứ đem lại trải nghiệm tốt cho người dùng.


Windows 11 sẽ gắn liền với các thiết bị “tương lai” như Dell XPS 13 Plus hay Lenovo ThinkPad X13s.

Nếu anh em chưa sẵn sàng cập nhật lên Windows 11, Microsoft vẫn hỗ trợ Windows 10 đến năm 2025 và từ giờ đến lúc đó, anh em không cần vội vàng và mình tin rằng không lâu đâu, Windows 11 sẽ trở nên hoàn chỉnh và lúc đó sẽ rất đáng để anh em trải nghiệm.
 
Bên trên