Xả phòng khách sạn 30/4

Nguyệt Phan

Well-known member
Các công ty, đại lý du lịch xả quỹ phòng chưa bán hết của kỳ nghỉ 30/4 với mức giá rẻ hơn 300.000 đến 600.000 đồng so với đầu tháng.

Các diễn đàn mua bán phòng nghỉ vài ngày nay bắt đầu đăng nhiều bài "Xả lỗ phòng 30/4". Các địa điểm được xả nhiều nhất là Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang). Mức giảm tùy thuộc từng cơ sở và người bán, dao động 300.000 đến 600.000 đồng so với gần một tháng trước.

Theo tìm hiểu của VnExpress, đầu tháng 4 một công ty rao bán 25 phòng du thuyền Emeraude vịnh Hạ Long với giá gần 2,8 triệu đồng một khách. Hiện giá còn 2,4 triệu đồng và hai ngày trước lễ thừa 4 phòng. Một số đơn vị cũng hạ giá khách sạn 4 sao như Ha Long Palace (Hạ Long) từ 1,7 triệu đồng một đêm xuống 1,5 triệu đồng. Hạng phòng Bay View của Sol By Wyndham Ha Long từng được rao 2,3 triệu đồng nhưng đến sáng 28/4, giá được điều chỉnh còn 1,9 triệu đồng.

Seashell Phú Quốc cuối tháng 3 được chào bán 2,2 triệu đồng một đêm, hiện giá còn 1,6 triệu đồng. Cuối tháng 2, căn hộ 2 phòng ngủ hướng biển của InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort giá 7,9 triệu đồng cho giai đoạn 29/4 đến 2/5 nhưng tới ngày 26/4, giá còn 4,8 triệu đồng.

Tại Flamingo Cát Bà, quỹ phòng trống vẫn còn nên các bên "ôm" cũng chủ động hạ giá. Ngày 5/4, nhân viên kinh doanh của một công ty có trụ sở tại Thanh Xuân (Hà Nội) chào bán hạng Deluxe view núi giá 4 triệu đồng cho đêm 29/4 đến 1/5. Đến ngày 24/4, giá còn 3,7 triệu đồng và tới 27/4 tiếp tục giảm xuống 3,5 triệu đồng.

Một resort tại Phú Quốc. Ảnh: Booking.


Một resort tại Phú Quốc. Ảnh: Booking

"Ôm phòng" là khái niệm được sử dụng nhiều trong du lịch. Thường các công ty, đại lý sẽ giữ một lượng phòng nhất định trước kỳ nghỉ lớn. Do giữ sớm, giá sẽ rẻ. Trong trường hợp bán hết, họ thu được khoản lời dựa trên phần chênh lệch. Ngược lại, họ phải xả để không mất trắng tiền. Ngoài "ôm phòng", các bên làm du lịch cũng "ôm vé máy bay" với hình thức tương tự. Nếu không bán được, họ phải chấp nhận cắt lỗ hoặc mất trắng.

Theo đa số công ty, việc xả phòng sát kỳ nghỉ như 30/4 không phải chuyện hiếm bởi đơn vị nào cũng dù ít hay nhiều đều "ôm" một lượng phòng nhất định. Tuy nhiên, so với năm ngoái, tình trạng giữ phòng dịp 30/4 năm nay không nhộn nhịp.

"Do các bên chủ động giữ ít phòng nên cũng 'về bờ' an toàn hơn năm ngoái", bà Hoàng Tuyết, Giám đốc Top One Travel, chia sẻ.

Bà Tuyết cho biết nếu chỉ dựa vào tình hình năm ngoái, các đại lý du lịch có thể đánh giá sai thị trường. Năm ngoái, du lịch mới mở cửa, điểm đến hạn chế, còn năm nay tình hình đã rất khác. Cộng thêm việc giá vé máy bay cao kéo dài đến tận sát lễ, lượng khách nội địa không còn đông như các năm trước dịch. Do đó, đơn vị nào còn quỹ phòng nhiều, năm nay "xả lỗ có khi vẫn ế".

Đại diện một đơn vị lữ hành có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng xác nhận năm ngoái nhiều bên "chết vì ôm phòng" nên tình trạng này đã ít hẳn trong năm nay. Công ty này từng giữ khoảng 3.000 phòng nghỉ tại các điểm đến hot nhưng năm nay chỉ dám nhập khoảng 1.000.

Ông Vũ Tiến Văn, Chủ tịch HĐQT Công ty Adavigo, chuyên phòng khách sạn và vé máy bay, nói chỉ mua một lượng phòng nhỏ để dự trù. Nếu so với dịp 30/4 năm ngoái, lượng phòng nội địa của công ty chỉ bằng khoảng 40%. Mọi năm, các công ty đều phải giữ nhiều phòng để đảm bảo bán dịp 30/4. Năm nay, việc "ôm" nhiều không cần thiết bởi hiện các khách sạn ở những điểm du lịch lớn như Phú Quốc, Nha Trang vẫn trống phòng dù đã bỏ phụ thu.

"Năm nay, chúng tôi không cần nhập nhiều vẫn đủ quỹ phòng để bán. Không có lý do gì để bỏ vốn ôm phòng. Ngoài việc bị đọng vốn, nếu không bán hết, các công ty đã ôm còn bị phạt thêm", ông Văn nói.

Ông Văn nói từ cách đây hai tháng đã nhận định tình hình du lịch nội địa không khả quan. Có hai cơ sở để đưa ra kết luận này. Thứ nhất, giá vé máy bay nội địa vẫn cao. Thứ hai, người Việt không còn bị hạn chế điểm đến quốc tế. Các nước trong khu vực đã mở lại hoàn toàn với giá tour cạnh tranh. Do đó, khách Việt sẽ không mặn mà việc du lịch trong nước. Trong khi đó, khách nước ngoài cũng không đến Việt Nam vì vé máy bay đắt, ảnh hưởng lớn đến chi phí cả chuyến đi. Vì thế, công ty cũng "rụt rè" hơn trong việc nhập sẵn quỹ phòng cho dịp 30/4.

Tương tự, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, cũng nhận xét tình trạng xả phòng năm nay kém sôi động hơn mọi năm. Theo quan sát của ông Tú trong các nhóm mua bán của doanh nghiệp du lịch, việc xả phòng hiện chủ yếu do khách hủy, không đi được. Tình trạng xả "sập sàn" hàng loạt ít thấy và điều này đã được dự đoán. Năm nay, du lịch đã hồi phục nhưng tình hình kinh tế chung đang nhiều khó khăn. Giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng tới chi phí vận chuyển khiến sức mua bị ảnh hưởng lớn. Do đó, họ chỉ "ôm" số lượng vé và phòng vừa đủ.
 
Bên trên