Deebot T20e Omni - robot hút và lau tự động 'thực dụng'

quan03

Trần Anh Quân
T20e Omni có lực hút, lau xoay áp lực và giặt giẻ tự động hiệu quả nhất trong phân khúc giá, nhưng cắt trợ lý giọng nói Yiko và camera giám sát.


T20e Omni, ra mắt đầu 2024, có thể coi là bản rút gọn của mẫu robot ăn khách Ecovacs T20 Omni. Sản phẩm vẫn giữ được hầu hết thông số thực dụng nhất về khả năng lau và hút (lực hút thậm chí lớn hơn T20), giúp tăng sức cạnh tranh ở phân khúc 15 triệu đồng. Đây được coi là câu trả lời của Ecovacs khi Roborock gần đây cũng có một model được đánh giá cao trong tầm giá này là Q Revo.
Hai sản phẩm của Ecovacs và Roborock là những model có giá tốt nhất hiện tại nếu người dùng muốn đầy đủ công nghệ tự động trên robot dọn dẹp với hút bụi, gom rác tự động, lau xoay và tự động giặt giẻ.

Bấm để lật ảnh sau/trước


Thiết kế của T20e không có nhiều khác biệt với T20 nhưng model mới nổi bật với màu trắng phù hợp cho không gian nội thất trẻ, hiện đại. Phần nắp mở hoàn toàn, thay vì có bản lề như Roborock. Khoang chứa bụi trên thân có nắp đẩy tránh rác bị thất thoát ngược khi hoạt động. Màng lọc trên hộp đựng rác có thể rửa và vệ sinh bằng nước để tái sử dụng.

Là bản rút gọn nhưng lực hút của T20e được tăng lên 7.100 Pa, cao hơn 6.000 Pa của T20. Đây là thông số cao nhất trong tầm giá dưới 20 triệu đồng và tính trên toàn bộ dải sản phẩm trên thị trường, T20e cũng chỉ kém Deebot X2 Omni là 8.000 Pa. Lực hút mạnh giúp máy thu gom được cả rác cỡ lớn như gạt gạo, hạt thức ăn cho thú nuôi, mảnh snack. Nếu sử dụng hàng ngày, người dùng cũng ít khi cần bật đến chế độ công suất cao nhất để tăng tuổi thọ động cơ, hạn chế tiếng ồn.
Các phần cứng cơ bản để dẫn đường cho robot như hệ thống radar LDS, chống rơi, phát hiện vật cản thông minh Truedetect 3D đều tương tự T20. Tuy nhiên, sản phẩm bị cắt hệ thống camera có thể quan sát từ xa như "đàn anh". Đây là tính năng thú vị trên robot hút bụi cao cấp nhưng không quá cần thiết nếu người dùng chỉ quan tâm tính hiệu quả dọn dẹp.


Một điểm thiếu hụt khác của T20e so với T20 là sử dụng chổi cứng kết hợp phủ cao su thay vì lớp cao su nguyên có khoảng không hở trục. Thiết kế này phổ thông hơn, phụ kiện rẻ hơn nhưng hay bị mắc kẹt hoặc cần vệ sinh thường xuyên nếu nhà có nhiều tóc rụng. Thiết kế chổi cao su hở trục của T20 hạn chế nhược điểm này. Về hiệu quả hút các loại rác phổ biến khác, T20e tương tự T20 nhưng độ ồn thực tế thấp hơn do phần lông ở đầu thay vì bề mặt lưỡi cao su.
Trước


Sau
Trượt để xem ảnh
Slide
Hệ chổi lau xoay hiệu quả nhất trên robot hút bụi hiện nay. Bề mặt giẻ của T20e lớn hơn tương đối so với Dreame W10 hay W10 Pro. Thiết kế mặc định phần giẻ này có thể tháo ra dễ dàng để vệ sinh cũng như thay thế, tiết kiệm so với mô-đun nguyên cục của W10. T20e vẫn giữ trang bị hai chổi quét góc, không giảm còn một như dòng X2 Combo cũng như đối thủ Roborock Q Revo.

T20e cho khả năng lau sàn tốt nhờ áp lực và miết đều lên hai trục. Máy còn có thuật toán "lắc hông" giúp lau sát tường nhưng khoảng cách tối thiểu ở vùng lau thực tế với tường vẫn khoảng hơn 2 cm, chưa tối ưu bằng X2 Omni với thiết kế vuông.
Một điểm mạnh khác của T20e là hệ thống giẻ lau có thể nâng tối đa 9 mm, giúp máy chuyển sang chế độ chỉ hút bụi với các khu vực có thảm thay vì phải bỏ qua như các model lau thông thường. Người dùng có thể tùy chọn thời gian robot tự về giặt giẻ sau mỗi 6, 10 hoặc 15 phút hoạt động tùy độ bẩn của sàn.


So với T20, T20e cũng bị cắt bỏ tính năng lau nhà bằng nước nóng 55 độ C. Tuy nhiên, hãng giữ lại khả năng sấy khô bằng khí nóng quan trọng giúp giẻ không bị hôi sau quá trình sử dụng, đặc biệt với không khí mùa nồm ẩm. Tính năng sấy cho phép chọn thời gian sấy 2, 3 hoặc 4 tiếng. Thử nghiệm thực tế cho thấy nếu cài đặt mức ẩm ướt giẻ trung bình, máy cần khoảng ba tiếng để khô hoàn toàn.
Ngoài ra, T20e cũng không có phần dock tháo rời nên việc vệ sinh khó hơn so với T20 hay X2 Omni.

Khay chứa nước sạch và nước bẩn của T20e đều là 4 lít tương tự T20. Trong điều kiện thực tế hút và lau hàng ngày với mức công suất, độ ẩm ướt trung bình cho căn hộ gần 80 m2, người dùng sẽ cần thay nước mỗi tuần một lần. Dock chứa bình nước của T20e có khoảng hở ở giữa, giúp cất gọn bình chứa chất tẩy rửa cũng như phụ kiện vệ sinh.

Túi đựng rác dung tích 3 lít trên dock của T20e. Với căn hộ chung cư dưới 100 m2, trung bình người dùng phải 2-3 tháng mới cần thay thế. Bên trong khay chứa còn có một lớp than hoạt tính để khử mùi phát tán từ rác.


Phần mềm điều khiển của T20e tương tự các model khác của Ecovacs. Máy cho phép tùy chỉnh bốn mức công suất hút, độ ẩm của giẻ lau. Về cài đặt làm sạch nâng cao, Ecovacs có nhiều lựa chọn chi tiết hơn so với Roborock nhưng đôi khi có thể khiến người dùng bị bối rối. Robot có thể vẽ lại sơ đồ nhà rất chính xác nhưng phần nhận diện nội thất chỉ đúng ở vị trí nhưng hay sai ở hướng đặt (ví dụ giường, kệ, sofa bị sai hướng mô tả trên bản đồ).
Robot có thể lập trình hút hàng ngày theo giờ chính xác, chế độ tự động tìm kiếm khu vực bẩn để làm vệ sinh hàng ngày.
Deebot T20 Omni hiện có giá 14,9 triệu đồng, bằng mức bán thực tế hiện tại của Roborock Q Revo - model từng có giá niêm yết hơn 19 triệu đồng.
 
Bên trên