Hành trình thu nhỏ đại dương vào những bức ảnh đầy mê hoặc của nhiếp ảnh gia Việt

TRng

Well-known member
Là một người đam mê nhiếp ảnh và yêu thích du lịch phiêu lưu mạo hiểm, khám phá đại dương bí ẩn, anh Ngọc Thiện (sinh năm 1988) đã “thu nhỏ” những khoảnh khắc đẹp mê hoặc của thế giới dưới làn nước vào trong những bức ảnh của mình.
Hơn 70% bề mặt trái đất được bao phủ bởi đại dương. Thế nhưng đến nay, con người mới chỉ khám phá được một phần rất nhỏ những gì ẩn sâu trong lòng biển. Với anh Nguyễn Ngọc Thiện, đại dương luôn hiện lên đầy mê hoặc, sâu sắc và bí ẩn. Mỗi chuyến du hành vào lòng đại dương với anh Thiện luôn là những chuyến phiêu lưu kỳ thú, đầy những điều bất ngờ mới mẻ và cũng không kém phần hồi hộp, rủi ro.
Nhiếp ảnh gia Ngọc Thiện
“Mình được truyền cảm hứng từ chương trình The Blue Planet –series phim tài liệu của Anh về thế giới đại dương và sinh vật biển được dẫn dắt bởi nhà tự nhiên học Sir David Attenborough. Từ đó mình nung nấu mong muốn ghi lại những vẻ đẹp đa dạng của thế giới trong lòng đại dương, tìm kiếm một cảm hứng mới mẻ cho bản thân và hy vọng có thể mang đến một luồng gió mới cho cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam với thể loại nhiếp ảnh có độ khó này.” anh Thiện chia sẻ.


Anh Ngọc Thiện bơi cùng cá nóc tại vùng biển Crystal Bay (vịnh Pha Lê), một điểm lặn biển nổi tiếng ở Nusa Penida, Indonesia

Sau 5 năm theo đuổi thể loại nhiếp ảnh underwater và có cơ hội lặn ở rất nhiều các vùng biển ở Việt Nam cũng như thế giới, với anh Thiện, mỗi vùng biển sẽ mang đến một vẻ đẹp và đặc trưng khác nhau, hệ sinh thái và sinh vật biển cũng sẽ khác nhau. Thế nhưng dù là ở đâu, anh Thiên cũng cảm thấy thật tuyệt vời khi được tiếp cận và quan sát tận mắt những sinh vật từ nhỏ bé thú vị đến to lớn bí ẩn trong đại dương.
Bức ảnh chụp tại vườn quốc gia Côn Đảo. Một trong những loài sinh vật biển ưa thích của anh Thiện là rùa biển, loài được xem là những “hóa thạch sống của đại dương” khi mà tổ tiên của chúng đã có mặt trên trái đất từ hàng trăm triệu năm trước.
"Nàng tiên cá" ngủ trong lòng biển Côn Đảo
Với những loài sinh vật biển hoang dã, to lớn, ở môi trường biển Việt Nam rất khó để có thể chụp hình do chúng khá nhát người và bơi đi rất nhanh. Trong khi đó ở các vùng biển nước ngoài, những nơi được bảo tồn tốt thì các loài sinh vật biển lại khá dạn người, có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
Tại điểm lặn ở Maldives, nơi sinh sống của loài cá mập voi khổng lồ
Các bụi hải quỳ và cá hề cam sọc trắng (Orange clownfish, giống trong phim Đi tìm Nemo) tuy rất hiếm gặp ở biển Việt Nam nhưng ở Perhentian (Malaysia) lại rất nhiều
Cá mập vây đen- một loài không gây nguy hiểm cho con người tại vùng biển North Ari Atoll, Maldives.
Để ghi hình được những sinh vật biển và có được những khoảnh khắc đẹp, anh Thiện cần rất nhiều sự chuẩn bị về kiến thức, kế hoạch, kỹ năng, thiết bị và cả sự may mắn khi thời tiết và thiên nhiên hoang dã là những yếu tố rất khó dự đoán , không thể kiểm soát và hoàn toàn có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Đồng thời phải chấp nhận đối mặt với những tình huống rủi ro có thể ảnh hưởng đến an toàn tính mạng trong quá trình lặn biển.
Mỗi hành trình lặn đều chứa đựng đầy rủi ro
Khi ghi hình dưới nước, ngoài các dụng cụ lặn và bình khí thở vốn đã khá nặng, anh Thiện còn phải mang theo các thiết bị ghi hinhg nặng hơn 10kg. Liên tục phải di chuyển trong môi trường biển với các dòng chảy, lượng oxi và năng lượng anh Thiện tiêu thụ còn lớn hơn những thợ lặn bình thường, đồng nghĩa với các rủi ro cũng lớn hơn.
Anh Thiện phải lặn cùng dàn thiết bị nặng 10kg
“Một trải nghiệm đáng nhớ là khi mình lặn tự do (không dùng bình khí) để ghi hình cổng tò vò cổ đại dưới đáy biển Lý Sơn. Khi đó mình suýt bị ngất do mải mê chụp ảnh ở độ sâu 15m mà quên mất thời gian phải trồi lên mặt nước để hít thở. Hiện tượng này là cực kỳ nguy hiểm vì khi bị ngất do nhịn thở quá lâu, lượng oxy trong máu thiếu dẫn đến trung ương thần kinh của bạn sẽ bị tê liệt tạm thời, gây mất ý thức và mất kiểm soát đối với cơ thể, gần như là không thể qua khỏi sau 2 phút nếu không gặp may mắn, như trồi lên kịp hoặc đồng đội trợ giúp”, anh Thiện nhớ lại kỷ niệm “nhớ đời” mình từng trải qua.
Cổng Tò Vò cổ đại ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi là một trong những kỳ quan dưới đáy biển. Nằm ở độ sâu khoảng 15 -17m, đây là nơi có các dòng nước lạnh di chuyển liên tục bên dưới, là điểm lặn khá nguy hiểm, không dành cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm.
Quang cảnh bên dưới đáy biển Lý Sơn.
Dù đôi lúc phải đối mặt với những thử thách khi lặn, nhưng với anh Thiện, nhiếp ảnh giúp anh truyền tải tới cộng đồng thông điệp về lối sống bền vững với tự nhiên. “Mình mong muốn những bức ảnh của mình có thể giúp thu hút nhiều hơn sự chú ý của mọi người, đồng thời nâng cao nhận thức về lối sống cân bằng với thiên nhiên trong mối quan hệ cộng sinh mà không gây hại cho hệ sinh thái của trái đất, nhất là hệ sinh thái biển.”
Bức ảnh cả anh Ngọc Thiện thắng giải hạng mục quốc gia Việt Nam (National Award Winner) của cuộc thi ảnh quy mô, uy tín hàng đầu thế giới Sony World Photography Awards 2023, có tên "Turtle Dream" (Giấc mơ rùa biển)
Vùng biển Hòn Yến, Phú Yên trong trẻo, sơ nguyên dưới góc ảnh underwater split-shots (nửa trên- nửa dưới) của anh Thiện

Mục tiêu trải nghiệm tiếp theo của anh Ngọc Thiện là lặn và ghi hình một trong những loài cá mập bí ẩn và lộng lẫy nhất của đại dương - Thresher shark (cá mập đuôi lưỡi hái) ở vùng biển Malapascua, Philippines và cá voi lưng gù (Humpback whale) ở vùng biển French Polynesia, Nam Thái Bình Dương.
 
Bên trên