Nguy cơ mất trắng nhà cửa, gia đình ly tán vì ham góp vốn lợi nhuận cao

Danh Phan

Well-known member
Ham lãi suất cao lên tới 60%/năm từ các dự án gắn mác nông nghiệp sạch, nhiều nhà đầu tư giờ đây đứng trước nguy cơ mất trắng nhà cửa, gia đình ly tán.

Nguy cơ mất trắng nhà cửa, gia đình ly tán vì ham góp vốn lợi nhuận cao


Các nhà đầu tư của Tập đoàn Ntea phản ánh sự việc đến phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: PV Lao Động
Lãi suất không tưởng
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thắng (La Khê, Hà Đông) đều là giáo viên về hưu. Đầu năm 2021, vợ chồng bà được một người bạn giới thiệu đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam (Tập đoàn Ntea), đang huy động vốn với lãi suất khoảng 20%/năm, để phát triển dự án trồng chè. Thời gian đầu, gia đình bà Thắng chỉ tham gia đầu tư với số tiền nhỏ và đều được trả lãi và gốc đúng hạn.
“Họ đưa tôi đi tham quan các văn phòng của NTea, những căn phòng này treo rất nhiều bằng khen, giấy chứng nhận, giải thưởng vinh danh công ty nên tôi càng tin tưởng. Công ty giới thiệu có vùng nguyên liệu rộng lớn ở nhiều tỉnh thành và có nhà máy sản xuất chè ở các tỉnh như: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh và tổ chức cho khách hàng tham gia các buổi hội thảo, tham quan nhà máy.
Để khách hàng tin tưởng tuyệt đối, Tập đoàn Ntea còn cam kết trong hợp đồng “nếu hợp tác kinh doanh rủi ro, thua lỗ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm”, vì vậy vợ chồng tôi đã dốc toàn bộ số tiền 800 triệu đồng, với 7 hợp đồng để đầu tư vào tập đoàn này” - bà Thắng nói.
Một số phiếu chi tiền của nhà đầu tư vào Tập đoàn Ntea. Ảnh: PV Lao Động
Một số phiếu chi tiền của nhà đầu tư vào Tập đoàn Ntea. Ảnh: PV Lao Động
Các hợp đồng của bà Thắng đã hết hạn từ năm 2022, tuy vậy đến nay, phía Tập đoàn Ntea lấy lý do kinh doanh khó khăn và không thanh toán cho bà tiền gốc và lãi như cam kết. Nguy cơ mất trắng số tiền tích lũy cả đời, bà Thắng như ngồi trên đống lửa, nhiều lần cùng các nhà đầu tư khác liên hệ với lãnh đạo Tập đoàn Ntea nhưng đều không được giải quyết.
Ông Đào Văn Sang (39 tuổi, Hà Nội) - một nhà đầu tư vào Tập đoàn Ntea cho biết, số lượng nhà đầu tư góp vốn vào Tập đoàn này theo tính toán sơ bộ khoảng gần 700 người, tổng số tiền hàng trăm tỉ đồng. "Trong đó, phần nhiều là người già, về hưu, có cả những người bán hàng nước. Hiện nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mất nhà cửa, gia đình ly tán, ốm đau bệnh tật..." - ông Sang nói.
Cùng phản ánh đến Báo Lao Động, nhiều nhà đầu tư của Công ty Cổ phần xúc tiến thương mại CCV Group (Công ty CCV) cho biết, cũng đang có nguy cơ mất trắng số tiền đã đầu tư với kịch bản tương tự như trên.
Như trường hợp anh N.V.T (Hà Nội), một người đã đầu tư 2 tỉ đồng vào CCV Group cho biết, khi giới thiệu về các hoạt động, dự án của công ty, bà Mai Hà Trang - Chủ tịch HĐQT Công ty CVV Group cùng các nhân viên đã thông tin không rõ ràng, thổi phồng các dự án nhằm tạo niềm tin cho người dân. Cùng với đó, các cá nhân môi giới đã đưa ra nhiều hứa hẹn, cùng các cam kết về mức lợi nhuận lên đến 5%/tháng (tức 60%/năm).
Chưa hết, công ty này cũng đưa ra nhiều chương trình với các tên gọi mỹ miều như “bốc thăm trúng thưởng”, “tri ân nhà đầu tư”...
Đến tháng 4.2023, hợp đồng gần đến hạn thanh toán, anh T liên tục liên hệ và tìm gặp Chủ tịch HĐQT Mai Hà Trang nhưng đã không thể gặp được.
"Chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty tại tầng 19 - 20 toà nhà Epic số 19, ngõ 19 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội thì đội ngũ Công ty cũng chỉ còn lèo tèo vài người và không có chức năng giải quyết công việc" - bà Y nói.
Cẩn trọng với mô hình “hợp tác đầu tư”
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khó có dự án hay hoạt động sản xuất, kinh doanh nào mang lại lợi nhuận đến hơn 20%/năm, thậm chí 60%/năm như Tập đoàn Ntea hay Công ty CVV Group cam kết.
Luật sư phân tích, nếu hoạt động hợp tác chỉ dừng lại ở việc các công ty gặp khó khăn thực sự, chưa có khả năng thanh toán lãi hay hoàn tiền thì giao dịch này chủ yếu chỉ dừng lại ở dân sự. Tuy nhiên, nếu có căn cứ ngay từ đầu các doanh nghiệp có ý định chiếm đoạt tiền từ người góp vốn kinh doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh chỉ để tạo lòng tin từ các nhà đầu tư, hoặc sau đó sử dụng tiền sai mục đích thỏa thuận, tiêu xài cá nhân, lấy của người sau trả cho người trước rồi thoái thác trách nhiệm thì dấu hiệu của lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã có tùy từng tình huống cụ thể.
Để xác định hành vi vi phạm này có dấu hiệu hình sự hay không rất cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Cùng trao đổi, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, thời gian qua, các vụ lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn trái phép diễn ra ngày càng nhiều. Đặc biệt, mới đây, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án liên quan đến Công ty Bất động sản Nhật Nam.
"Điểm chung là ban đầu, các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì. Sau đó mở bán gói đầu tư hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận siêu cao nhằm huy động vốn của nhà đầu tư" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Chuyên gia khuyên nhà đầu tư cần luôn tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn... trước khi tham gia, góp vốn đầu tư để tránh tiền mất tật mang.


CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TRUYỀN THÔNG MINARA
ĐỊA CHỈ:
- 182 Trần Bình Trọng, P.3, Q.5, Tp.HCM
- 27 Đường số 16, Trung Tâm Hành Chính Dĩ An, Bình Dương.
Điện thoại: 097.777.1060
Email: info@minara.vn
Website: www.minara.vn
 
Bên trên