Phối cảnh cầu đi bộ hình lá dừa nước vượt sông Sài Gòn

Danh Phan

Well-known member
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn dài hơn 500 m, thiết kế vòm thép hình lá dừa nước, bố trí thác nước tuần hoàn, chiếu sáng mỹ thuật… kỳ vọng thành biểu tượng mới ở TP HCM.

Công trình nối quận 1 sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, vừa được UBND TP HCM phê duyệt phương án thiết kế kiến trúc theo hình tượng lá dừa nước - hình ảnh quen thuộc của miền Nam.
Thiết kế được thực hiện bởi liên danh Chodai - Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam, đạt số điểm cao nhất trong các phương án tham gia dự tuyển kiến trúc của cầu.

Phối cảnh cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nhìn từ phía quận 1. Kế đó là cầu Ba Son, mới đưa vào khai thác hơn một năm nay.
Cầu đi bộ có vị trí xây dựng ở giữa cầu Ba Son và hầm sông Sài Gòn. Phía quận 1, chân cầu dự kiến tại khu vực công viên bến Bạch Đằng, gần đường Nguyễn Huệ.
Bên Thủ Thiêm, chân cầu nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A - phía nam Quảng trường trung tâm tại khu đô thị này. Đây là một trong 5 cây cầu và một hầm vượt sông Sài Gòn được quy hoạch kết nối Thủ Thiêm với khu vực xung quanh.

Thiết kế hình dáng lá dừa, được đánh giá giúp mặt cầu thông thoáng, mở tầm nhìn cho người đi bộ phía trên công trình.
Đơn vị thiết kế đưa ra phương pháp thi công vòm thép theo cách chế tạo sẵn các bộ phận rồi tập kết đến công trường lắp ráp. Điều này giúp hạn chế ảnh hưởng giao thông, môi trường trong quá trình thi công ở trung tâm thành phố.


Thác nước tuần hoàn được thiết kế trên cầu đi bộ. Phương án này được Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM đánh giá phù hợp với thiết kế ở quảng trường trung tâm Thủ Thiêm.

Trên cầu cũng bố trí mảng xanh cùng các tiện ích ghế ngồi, thùng rác, điểm dừng chân nghỉ mát, tạo thuận tiện cho người dân đến vui chơi, giải trí. Khi hoàn thành, công trình chỉ dành cho người đi bộ, phương tiện hỗ trợ người khuyết tật…; cấm các hình thức buôn bán, kinh doanh.

Theo đơn vị thiết kế, trụ cầu được tính toán xây dựng gần bờ nhằm tối ưu hệ thống cột dưới lòng sông Sài Gòn, tạo tĩnh không dưới nước lớn giúp tàu thuyền thuận tiện di chuyển.


Về đêm, cầu đi bộ sẽ có hệ thống chiếu sáng mỹ thuật, tạo điểm nhấn trên sông Sài Gòn và là không gian trải nghiệm ánh sáng để người dân, du khách đi dạo, vui chơi.

Phối cảnh người dân đến cầu đi bộ giải trí vào buổi tối.
Đơn vị thiết kế cũng đề xuất khi hoàn thành, ban ngày thành phố có thể tổ chức các lễ hội âm nhạc, nghệ thuật...; ban đêm cho hoạt động rạp chiếu bóng ngoài trời, trình chiếu nhạc nước, chiếu sáng 3D...

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, cầu có hình dáng lá dừa nước là phương án độc đáo, chưa trùng lắp, giản dị, sẽ tạo sức hút với người dân, du khách. Thông số kỹ thuật cụ thể của phương án thiết kế sẽ được nghiên cứu và hoàn thiện ở giai đoạn sau.


Cầu đi bộ khi hoàn thành sẽ kết nối công viên phía đối diện đường Tôn Đức Thắng, bố trí các bãi đậu xe máy ở hai đầu để người dân dễ tiếp cận.
Trong phần việc tiếp theo, lãnh đạo TP HCM yêu cầu các phương án cần bám sát nội dung thiết kế, kết nối phù hợp với khu vực xung quanh. Các công đoạn thiết kế chi tiết cần tuân thủ và làm rõ hình dáng theo ý tưởng của phương án được chọn.
Chính quyền hành phố đặt mục tiêu khởi công cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn vào dịp 30/4/2025 để chào mừng kỷ niệm 50 ngày thống nhất đất nước.

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TRUYỀN THÔNG MINARA
ĐỊA CHỈ:
- 182 Trần Bình Trọng, P.3, Q.5, Tp.HCM
- 27 Đường số 16, Trung Tâm Hành Chính Dĩ An, Bình Dương.
Điện thoại: 097.777.1060
Email: info@minara.vn
Website: www.minara.vn
 
Bên trên