Quán chè có không gian hoài niệm, mỗi ngày bán 600 bát ở Hà Nội

Võ Xuân Trường

Well-known member
Quán chè có không gian hoài niệm, mỗi ngày bán 600 bát ở Hà Nội

Nhiều năm qua, quán chè có tuổi đời 24 năm trên phố Hàng Điếu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) của chị Nguyễn Thanh Thuý phục vụ hàng trăm lượt khách mỗi ngày.
Quán chè có không gian hoài niệm, mỗi ngày bán 600 bát ở Hà Nội
Quán chè 24 năm tuổi đời thu hút đông thực khách mỗi buổi chiều. Ảnh: Nhật Minh
Chị Nguyễn Thanh Thuý (44 tuổi) - chủ quán chè cho biết, trước khi mở quán, chị đã phải đi qua nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước để học nấu chè. "Sau nhiều năm làm nghề, tôi tự đúc kết kinh nghiệm để duy trì hương vị chè đến hiện tại” - chị Thuý chia sẻ.
Nói về không gian cổ kính, hoài niệm tại quán, chị Thuý cho biết, chồng chị vốn là người có niềm đam mê sưu tầm đồ cổ, cách đây vài năm, hai vợ chồng chị Thuý lên kế hoạch để thiết kế lại không gian quán.
Bước vào quán, thực khách có thể dễ dàng bắt gặp những kệ tủ, bàn ghế được làm bằng gỗ nâu trầm lâu năm, đã phần nào bạc màu. Những chiếc bát ăn chè tại quán là loại bát men lam, mâm đựng bằng gỗ được chủ quán sưu tầm.
“Những đồ vật tại quán đều được vợ chồng tôi sưu tầm và mang về đây trưng bày, các món đồ có tuổi thọ hàng chục đến hàng trăm năm” - chị Thuý cho hay.
Không gian cổ kính với những bộ bàn ghế gỗ lâu năm tại quán. Ảnh: Nhật Minh
Không gian cổ kính với những bộ bàn ghế gỗ lâu năm tại quán. Ảnh: Nhật Minh
Hiện tại, quán có khoảng 30 loại chè khác nhau như chè chuối nếp nướng, chè đỗ đen, chè thập cẩm, chè sen long nhãn, chè khúc bạch... Để làm chè, nữ chủ quán sử dụng 3 loại đường chính là đường mật mía, đường thốt nốt và đường kính trắng.
Chị Thuý điều chỉnh tỉ lệ giữa 3 loại đường phù hợp để chè có độ ngọt thanh, nhẹ chứ không ngọt gắt, phù hợp khẩu vị thực khách hiện tại.
Vào mùa hè, thực khách đến quán thường lựa chọn loại chè thập cẩm hay chè khúc bạch. Còn mỗi khi trời trở lạnh thì chè chuối nếp nướng và bánh trôi tàu là hai món bán chạy nhất.
Với món chè thập cẩm, chị Thuý sử dụng nhiều nguyên liệu như chè cốm, chè khoai, chè sen, thạch, đậu đỏ, trân châu, nhãn và nước cốt dừa. Chè cốm tại quán được nấu từ cốm tươi, tạo màu bằng lá nếp.
Món chè thập cẩm được đựng trong bát men trắng vẽ lam. Ảnh: Nhật Minh
Món chè thập cẩm được đựng trong bát men trắng vẽ lam. Ảnh: Nhật Minh
Nước cốt dừa tươi do chị Thuý tự mua về chế biến. Loại nước cốt dừa này có độ ngậy, thơm hơn nước cốt dừa đóng hộp. Nhưng nhược điểm là phải nấu thành nhiều lần trong ngày, sử dụng trong thời gian ngắn.
Với món chè chuối nếp nướng, đầu tiên, chị Thuý sẽ nấu gạo nếp cùng chuối tây và lá nếp. Đến khi chín, hỗn hợp được đầu bếp cán mỏng, cuộn bên ngoài miếng chuối rồi nướng vàng trên bếp than. Cuối cùng, chuối được cắt nhỏ thành những miếng vừa ăn và rưới lên trên một lớp nước cốt dừa để thực khách thưởng thức.
Một bát bánh trôi tàu tại quán chị Thuý. Ảnh: Nhật Minh
Một bát bánh trôi tàu tại quán chị Thuý. Ảnh: Nhật Minh
Đối với món bánh trôi tàu, chị Thuý sử dụng 2 loại nhân là nhân đậu xanh và nhân mè đen. Phần nước đường được nấu chủ yếu từ loại đường mật mía để có vị ngọt nhẹ, dễ ăn. Bên trên bát bánh trôi tàu được rắc thêm một chút dừa khô, mè đen và lạc.
Các loại chè của quán hiện tại dao động từ 25.000 - 45.000 đồng mỗi bát. Mỗi ngày, quán phục vụ từ 500 - 600 lượt khách, và tăng cao hơn vào dịp cuối tuần.
Các nguyên liệu tại quán đều được chính tay chị Thuý chế biến và nấu mỗi ngày. Ảnh: Nhật Minh
Các nguyên liệu tại quán đều được chính tay chị Thuý chế biến và nấu mỗi ngày. Ảnh: Nhật Minh
Giữa nhịp sống hối hả của Thủ đô, vợ chồng chị Chu Mai Hương (35 tuổi, Hai Bà Trưng) ghé quán chè trên phố Hàng Điếu để tìm lại kí ức xưa và thưởng thức món quà chiều. Chị Hương đặc biệt ấn tượng với không gian cổ kính, độc đáo tại quán.
“Quán chè này có không gian ấm cúng, thân mật và "không đụng hàng" với bất kỳ quán chè nào tại Hà Nội” - chị Hương nói.
Ngoài ra, chị Hương còn ấn tượng với món chè chuối nếp nướng tại quán bởi độ ngọt vừa phải, vị nước cốt dừa thơm ngậy.
 
Bên trên