Chỉ với 15 phút huấn luyện, iPhone có khả năng tái hiện lại giọng nói của người dùng

Nguyễn Thị Minh Tú

Minh Tú Nguyễn
Tính năng mới của Apple: Tái hiện giọng nói người dùng chỉ với 15 phút huấn luyện

Tính năng mới của Apple: Tái hiện giọng nói người dùng chỉ với 15 phút huấn luyện (Ảnh: Apple)
Mới đây, Apple đã giới thiệu một bộ tính năng mới được thiết kế để hỗ trợ những người khuyết tật về trí tuệ, khả năng sử dụng công nghệ hoặc người khiếm thị và khiếm thính. Trong số đó có tính năng Personal Voice mới (hay Giọng nói cá nhân), cho phép người dùng tạo ra một giọng nói tổng hợp giống với giọng nói của họ để trò chuyện với bạn bè và gia đình.
Theo Apple, để tạo ra "Giọng nói cá nhân" bạn chỉ cần đọc một số câu văn trong vòng 15 phút trên iPhone hoặc iPad. Với sự kết hợp của Live Speech, tính năng này cho phép người dùng viết những gì họ muốn nói để Personal Voice đọc lại bằng chính giọng nói của họ. Apple cho biết tính năng này sử dụng công nghệ học máy trên thiết bị để giữ thông tin người dùng được bảo mật và an toàn.

Tính năng Assistive Access trên iPhone và iPad

Tính năng Assistive Access trên iPhone và iPad (Ảnh: Apple)
Thêm vào đó, Apple giới thiệu các phiên bản ứng dụng Phone, FaceTime, Messages, Camera, Photos và Music được tinh giản hóa để hỗ trợ người dùng có khuyết tật về trí tuệ. Tính năng này có tên là Assistive Access, được thiết kế để đơn giản hóa các ứng dụng và trải nghiệm để giảm thiểu sự phân tâm hoặc khó khăn trong việc sử dụng cho những người có khuyết tật về trí tuệ.

Ngoài ra, các phiên bản tinh giản này còn có các nút tương phản cao, nhãn văn bản lớn và các công cụ khác để giúp người dùng sử dụng dễ dàng và thuận tiện hơn. Thông tin về việc phát triển chế độ "custom accessibility" của Apple đã được phát hiện vào cuối năm ngoái, trong phiên bản iOS 16.2 beta. Hãng cũng cho biết các tính năng này sẽ được ra mắt vào cuối năm nay, có thể là trong phiên bản iOS 17.

Tính năng Live Speech cho phép người dùng nhập văn bản muốn nói sau đó Personal Voice sẽ đọc lại bằng giọng nói của họ

Live Speech cho phép người dùng nhập văn bản muốn nói sau đó Personal Voice sẽ đọc lại bằng giọng nói của họ (Ảnh: Nextpit)
Bên cạnh đó, ứng dụng Magnifier có một chế độ mới giúp người khiếm thị hoặc thị lực kém tương tác với các vật thể có bộ điều khiển bằng văn bản. Ví dụ, người dùng có thể đưa camera của thiết bị tới một dòng văn bản bất kì trên lò vi sóng, sau đó thiết bị iPhone hoặc iPad sẽ đọc to nội dung của văn bản đó khi người dùng di chuyển ngón tay qua từng số hoặc cài đặt trên đó.

Apple cũng đang tập trung vào một số tính năng khác sắp được bổ sung trên MacBook, chẳng hạn như người khiếm thính hoặc khó nghe có thể dễ dàng kết nối các tai nghe của iPhone với MacBook bằng Bluetooth. Hãng cũng đang cải thiện cách điều chỉnh kích thước văn bản trong Finder, Messages, Mail, Calendar và Notes trở nên thuận tiện hơn trên MacBook.

Một số giao diện của tính năng Assistive Access

Một số giao diện của tính năng Assistive Access (Ảnh: Apple)
Người dùng cũng có thể tạm dừng GIF trong Safari và Messages, tùy chỉnh tốc độ nói của Siri, và sử dụng điều khiển giọng nói để đề xuất phát âm khi chỉnh sửa văn bản. Tất cả đều là những cải tiến của các tính năng khả dụng hiện có trên Mac và iPhone, bao gồm Live Captions, trình đọc màn hình VoiceOver, Door Detection và nhiều hơn thế nữa.

Sarah Herrlinger, Giám đốc chính sách và sáng kiến khả dụng toàn cầu của Apple, cho biết rằng "Sự tiện lợi là là trọng tâm của mọi sản phẩm của Apple. Các tính năng đột phá này được tạo ra với sự đóng góp từ các thành viên trong cộng đồng khuyết tật, nhằm hỗ trợ cho nhiều người dùng khác nhau và giúp mọi người kết nối với nhau một cách mới mẻ và thú vị."
 
Bên trên