10 món ngon thú vị ở TP HCM

Tường Vy

Well-known member
Là thành phố đa văn hóa, các món ngon ở Sài Gòn du nhập từ nhiều nơi như chè người Hoa, bún bò Huế hay bánh xèo miền Tây.

10 món ngon thú vị nhất TP HCM nằm trong "TP HCM - 100 điều thú vị" do Sở du lịch công bố đầu tháng 12, là gợi ý cho du khách khám phá ẩm thực thành phố. Danh sách dựa trên hơn 104.000 lượt bình chọn đối với 10 hạng mục gồm chương trình tham quan, điểm tham quan, điểm giải trí - chương trình giải trí, điểm mua sắm, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng - quán ăn, quán cà phê, điểm check in, sự kiện du lịch- văn hóa - thể thao và món ngon.

Bánh mì

Bánh mì là một trong những món gần gũi, dễ ăn và thuận tiện. Ở TP HCM, bánh mì có nhiều biến tấu, giúp thỏa mãn vị giác của đa dạng thực khách. Bạn có thể thử như bánh mì xíu mại, bánh mì bì, bánh mì chả cá sợi, bánh mì heo quay, bánh mì bò nướng, bánh mì gà xé.

Có thể tìm thấy nhiều tiệm bánh mì có tiếng ở TP HCM, tồn tại hơn nửa thế kỷ. Tiệm bánh mì Bảy Hổ mở cửa từ năm 1930, hơn 90 năm vẫn giữ nguyên công thức như ngày đầu. Bánh mì Hòa Mã nổi danh với món bánh mì chảo, phục vụ suốt 60 năm. Ngoài ra còn nhiều tiệm đáng thử khác như bánh mì Huỳnh Hoa, bánh mì Tăng, bánh mì Cụ Lý, bánh mì Sáu Lẹ.

Ổ bánh mì thập cẩm tại một tiệm ở quận 1. Ảnh: Bích Phương


Ổ bánh mì thập cẩm tại một tiệm ở quận 1.

Bánh tráng trộn

Bánh tráng trộn Sài Gòn làm từ miếng bánh tráng đã được phơi sương, cắt nhỏ từng sợi. Bánh sau khi cắt sợi được trộn chung với xoài xanh bào sợi, rau răm cắt nhuyễn, muối tôm Tây Ninh và vắt nước tắc vào. Thêm vào bịch bánh tráng một chút mỡ hành được phi thật thơm với đậu phộng, tép rang để tăng hương vị. Ngoài ra, món ăn này sẽ mất ngon nếu thiếu trứng cút và sợi bò khô. Tùy theo khẩu vị mà người làm sẽ cho nhiều hoặc ít sa tế.

Du khách đến Sài Gòn có thể tìm ăn bánh tráng trộn tại những địa chỉ quen thuộc như hồ con Rùa, đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), công viên 23/9 (quận 1), khu vực chợ Bến Thành, ngã tư Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (quận 1). Giá một bịch bánh tráng trộn là 25.000-30.000 đồng. Thực khách có thể gọi thêm trứng cút, khô bò, bánh tráng và giá thay đổi tùy thuộc vào số lượng.

Bánh xèo

Bánh xèo là món ăn phải thử khi ghé Sài Gòn. Tại thành phố giao thoa nhiều văn hóa, ẩm thực vùng miền, bánh xèo ở Sài Gòn chia thành hai loại chính bánh xèo miền Trung và bánh xèo miền Tây. Bánh xèo miền Trung là loại nhỏ đường kính chưa đến một gang tay, phần nhân có đậu xanh, giá đỗ kết hợp với một số hải sản hoặc thịt heo. Bánh xèo miền Tây kích thước lớn, phần nhân có tôm, thịt ba chỉ, giá đỗ và đậu xanh. Một số tiệm bánh xèo miền Trung còn phục vụ loại vỏ mỏng, không nước cốt dừa và bột nghệ nên vỏ có màu trắng sữa.

Bún bò


Bún bò Huế từng được đầu bếp lừng danh Anthony Bourdain công nhận là một trong những món ăn ngon nhất thế giới. Tô bún hấp dẫn với vị nước lèo đậm đà, cay, bên trong là thịt bò kèm giò heo, rau tươi. Bún bò theo chân người Huế vào Sài Gòn, trong quá trình du nhập đã hình thành ba kiểu phổ biến. Kiểu thứ nhất là tô bún nhiều thịt, nhiều chả, trông đầy đặn hơn ở Huế, nước dùng có vị ngọt của đường, làm giảm mùi nồng của mắm ruốc. Thực khách có thể tìm đến quán bún bò Kim Long, đường Trần Quang Diệu, quận 3.

Kiểu thứ hai giữ nguyên vị món ăn gốc ở Huế, nước dùng đậm vị sả, mắm ruốc. Những quán nấu kiểu này có thể đến bún bò Ngự Bình, cư xá Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, quán Út Hưng đường Tú Xương, quận 3. Còn một kiểu bún bò nữa thường không có hoặc bỏ ít mắm ruốc, nước dùng trong. Topping là giò lụa cắt khoanh, thịt bò, giò heo miếng lớn. Thực khách thích ăn kiểu này có thể ghé quán bún bò Song Anh, đường Bàn Cờ, quận 3, bún bò Nhân Trí, đường Lê Hồng Phong, quận 10.

Các loại xôi

Ở Sài Gòn, món xôi được bán nhiều khung giờ như trưa, chiều, tối hoặc đêm khuya, rạng sáng để thực khách lót dạ. Xôi cũng có nhiều phiên bản khác nhau nhưng chủ yếu được phân làm hai loại là xôi mặn và xôi ngọt.

Xôi ngọt như xôi đậu, sầu riêng, bắp, gấc. Món ăn đặc trưng bao giờ cũng có lớp xôi thơm mềm, nóng hổi được thêm chút cơm dừa nạo bào nhuyễn và lớp đường cát, đậu phộng rang lên trên, giá bán từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng mỗi gói. Xôi bắp là một trong những món xôi ngọt đặc trưng, được nấu từ bắp nếp dẻo hầm với nước dừa cho hạt bung nở mềm, màu trắng tươi. Xôi bắp hơi nhão, khi ăn cho thêm ít dừa nạo, đường, đậu phộng hoặc muối mè, vừa ngọt vừa béo nhưng không ngấy.

Món xôi thịt kho tàu du nhập từ Hà Nội vào Sài Gòn, món bán tại một tiệm bình dân ở quận 1. Ảnh: Bích Phương

Món xôi thịt kho tàu du nhập từ Hà Nội vào Sài Gòn, món bán tại một tiệm bình dân ở quận 1

Một kiểu xôi ngọt khác ở Sài Gòn phải nhắc đến món xôi cadé, xôi được đơm vào lá chuối tươi, bên trên là lớp cadé mềm mịn làm từ nước cốt dừa, trứng gà, bột mì, đường. Người bán khéo léo gói lại đẹp mắt, món không quá phổ biến, thường bán tại các khu người Hoa.

Xôi mặn ở Sài Gòn thường là nếp nấu dẻo ăn kèm với thịt heo xá xíu, tôm khô, lạp xưởng, chà bông, chả, trứng cút, thêm mỡ hành béo hoặc hành phi vàng ruộm, rưới nước sốt đậm đà. Phiên bản xôi mặn điển hình phải kể đến xôi gà. Hộp xôi nếp dẻo thêm miếng đùi gà tẩm ướp, thêm mỡ hành, cải chua và phần nước sốt được nấu sánh. Thực khách có thể chọn thêm nhiều món ăn kèm như da gà chiên giòn, trứng non, gà xé, xíu mại, lòng mề gan luộc. Ở các khu người Hoa còn có các món xôi mặn khác như xôi khâu nhục ăn chung với thịt ba rọi nấu mềm, xôi bát bửu đa sắc màu nấu với thịt xá xíu, tôm khô, lạp xưởng, nấm đông cô, củ cải, hành phi, đậu phộng.

Chè

Chè là món ăn chơi quen thuộc với người Việt và tại TP HCM có vô vàn loại chè cho thực khách thưởng thức. Chỉ riêng chè người Hoa đã có đến hơn 20 món chè đủ hương vị như chè hạt sen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu phộng, mè đen, nhãn nhục, bạch quả, củ năng, sâm bổ lượng, quy linh cao, hột gà chưng (như bánh flan), hột gà trà đen, đu đủ tiềm. Thực khách có thể tìm đến các tiệm chè kiểu Hoa lâu đời như chè Cột Đèn 80 năm tuổi ở đường Trần Hưng Đạo, quận 5, xe chè Lâm Vinh Mậu trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1.

Xe chè người Hoa ở góc đường quận 1. Ảnh: tksmine

Xe chè người Hoa ở góc đường quận 1.

Sài Gòn còn có con phố chuyên bán chè Thái Lan, là khu vực đường Nguyễn Tri Phương, quận 10. Chè Thái mang hương vị đặc trưng với mùi sầu riêng, kèm vị sữa ngọt béo. Muốn thưởng thức chè mang hương vị Nam Bộ có thể ghé quán chè mâm trên đường Sư Vạn Hạnh. Tại đây phục vụ theo mâm 16 chén các vị như chè bà ba, chè thưng, chè chuối, chè bắp, chè đậu trắng, chè khoai môn, chè trôi nước, kèm hũ rau câu dừa, đĩa xôi và đĩa bánh flan. Khách ăn lẻ theo chén, ăn bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu.

Cơm tấm

Cơm tấm là món ăn quen thuộc với bao thế hệ người dân ở Sài Gòn. Bạn có thể ăn cơm tấm vào điểm tâm, buổi trưa hay tối đều được. Một đĩa cơm tấm ngon sẽ gồm một chút cơm hạt nhỏ, khô, thêm vài lát dưa leo, đồ chua và phía trên là miếng sườn nướng, bì, chả. Cơm tấm ở Sài Gòn cũng có đủ mức giá, món ăn bình dân này đi từ vỉa hè vào đến nhà hàng hạng sang. Linh hồn của món ăn này phải kể đến phần nước mắm ngọt, sánh kẹo. Thực khách chan nước mắm thấm đẫm phần cơm nóng hổi, ăn cùng các topping gọi kèm. Một phần cơm tấm cơ bản như món cơm tấm sườn trứng có giá dao động 40.000-45.000 đồng. Tùy vào lượng cơm, kích cỡ miếng sườn, số lượng topping gọi thêm mà giá phần cơm khác nhau.

Một số tiệm cơm tấm ngon thực khách có thể tham khảo như cơm tấm Tài đường Nguyễn An Ninh, quận Bình Thạnh, cơm tấm Mai, đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, cơm tấm Ba Ghiền, đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận.

Ốc

Khác với Hà Nội, Sài Gòn không chỉ có món ốc vặn, ốc nhồi luộc chấm mắm ớt gừng mà còn có nhiều loại khác như ốc hương, ốc giác, ốc cà na. Mỗi loại ốc cũng có cách chế biến món ốc phong phú như hấp, luộc, xào, chiên, rang, nướng mọi, sốt trứng muối, sốt me.

Đường Tô Hiến Thành, quận 10, Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, phố ẩm thực Vĩnh Khánh, quận 4 là ba địa chỉ dành cho các tín đồ mê món ốc ở Sài Gòn. Ngoài ốc, có nhiều loại hải sản khác cho thực khách thưởng thức như các loại sò, cua, ghẹ, tôm, mực.

Phở

Lịch sử của phở có thể bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20 ở các tỉnh miền Bắc với Hà Nội được cho là nơi đầu tiên xuất hiện món ăn này. Phở du nhập vào Sài Gòn, dần trở thành món ăn quen thuộc với người dân và du khách nơi đây. Các hàng phở ở Sài Gòn chia thành hai trường phái phở Nam và phở Bắc. Các tiệm phở gốc Bắc có nước dùng nhạt, trong, thanh và ít ngọt. Phở Bắc chú trọng vào hương vị tự nhiên, do đó chất lượng thịt bò tươi ngon là điểm nhấn. Phở Nam thường ngọt và đậm đà hơn. Nước dùng sẫm màu hơn do có thêm hành tím nướng và nhiều gia vị kết hợp. Phở Nam thường dùng kèm giá đỗ, rau sống, hành tây thái lát, tỏi và nước tương.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên