Căng thẳng đua vào lớp 10 trường top đầu

Ngô Nguyễn Anh Thư

Well-known member
Học lực giỏi, đạt hơn 9 điểm mỗi môn nhưng Thanh Hà căng thẳng, vì trường Gia Định mà em đặt nguyện vọng thuộc top đầu, lại giảm 135 chỉ tiêu (3 lớp).

Thanh Hà hiện là học sinh lớp 9 ở quận Bình Thạnh. Tổng điểm ba môn thi cuối học kỳ II của Hà đạt 27 điểm, song nữ sinh cho rằng điểm số này chưa an toàn. Em cũng lo ngại điểm chuẩn năm nay của THPT Gia Định sẽ tăng vì trường giảm tuyển mới khá nhiều.

"Năm ngoái trường Gia Định lấy điểm chuẩn 24,5. Năm nay, trường giảm tận 135 chỉ tiêu, em nghĩ cạnh tranh vào trường sẽ khó", Hà nói.

Hồng Ngọc, học sinh trường THCS Minh Đức, đang cày ngày cày đêm để đạt mục tiêu vào trường THPT Bùi Thị Xuân. Mỗi ngày, ngoài học hai buổi ở trường, Ngọc còn học thêm Toán, Tiếng Anh đến gần 10 đêm mới về đến nhà.

Theo Ngọc, trường Bùi Thị Xuân giữ nguyên chỉ tiêu so với năm ngoái nhưng các trường top đầu khác ở quận 1 như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn đều giảm nên em lo thí sinh sẽ đổ dồn sang đăng ký vào trường Bùi Thị Xuân, đẩy điểm chuẩn lên cao.

"Điểm thi cuối học kỳ II ba môn gần 27 điểm nhưng em không yên tâm lắm. THPT Bùi Thị Xuân là nguyện vọng em ấp ủ từ lâu nên quyết tâm vào được trường này", Ngọc nói.

Học sinh TP HCM đã kết thúc đăng ký nguyện vọng thi lớp 10 vào cuối ngày 12/5. Theo các giáo viên, áp lực với nhiều học sinh lớn hơn khi cuộc đua vào các trường top đầu của thành phố vốn đã cam go, lại tuyển ít hơn năm ngoái.


Trong 10 trường có điểm chuẩn cao nhất năm ngoái, đến 8 trường giảm 45-270 học sinh tuyển mới, tương đương 1-6 lớp.


Trên toàn thành phố, hơn một nửa (64) trường THPT giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Nhiều trường giảm hơn 200 học sinh như THPT Bình Chiểu, Lương Văn Can, Trần Phú, Vĩnh Lộc B, Hồ Thị Bi, Phước Kiển. Những trường khác, mức giảm khoảng 45-135 học sinh, tương đương 1-3 lớp.

Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến chừng 102.300 học sinh đăng ký thi lớp 10 năm nay. 113 trường công lập đáp ứng khoảng 71.000 chỗ học, giảm 6.000 so với năm học trước.

"Cuộc đua vào lớp 10 căng thẳng nhất là phân khúc các trường top đầu", thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, nhận định.

Theo thầy, các trường nhóm này luôn thu hút nhiều thí sinh khá, giỏi đăng ký. Cạnh tranh vào đây vốn không dễ dàng, nay sẽ thêm căng thẳng. Tại trường THCS Lê Văn Tám, thầy Tuấn ghi nhận nhiều học sinh có năng lực tốt phân vân, e dè khi đặt nguyện vọng.

Thầy Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh, đồng tình. Theo thầy, khi trường "hot" giảm dù chỉ 1-2 lớp (45-90 học sinh), cũng đủ làm cuộc đua cam go, khó đoán.

Một lý do nữa, theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, là hai trường chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa dừng tuyển lớp không chuyên. Những em dự định vào các lớp này có thể chuyển sang đăng ký vào các trường có tiếng khác.

"Tỷ lệ chọi của các trường top đầu có thể tiếp tục tăng", thầy Phú dự đoán.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập ở TP HCM, tháng 6/2023. Ảnh:Quỳnh Trần


Thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập ở TP HCM, tháng 6/2023. Ảnh:Quỳnh Trần

Ngoài ra, thầy Tuấn nhận định áp lực của học sinh một phần đến từ sự kỳ vọng của bản thân và gia đình.

"Những em giỏi, xuất sắc thường gặp nhiều áp lực hơn số còn lại. Bởi các em có năng lực nên càng kỳ vọng sẽ trúng tuyển trường tốt", thầy Tuấn nói.

Theo Hiệu trưởng THCS Lê Văn Tám, một tháng cuối trước kỳ thi, các trường đều dồn lực, tăng thời gian ôn tập, cho học sinh luyện giải đề Toán, Văn, Tiếng Anh khoảng 10 tiết mỗi môn. Để giảm căng thẳng cho học sinh, căn cứ trên kết quả làm thử đề thi các năm trước, giáo viên cũng động viên các em tự tin vào năng lực của bản thân.

Thầy Phú cho rằng, Sở Giáo dục nên xem xét tăng thêm chỉ tiêu cho các trường top đầu, góp phần giảm áp lực cạnh tranh.

"Các trường cũng có thể chủ động đăng ký nhận thêm học sinh để chia sẻ áp lực chung của toàn thành phố", thầy Phú nói.

Trước đó, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết những trường có số học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu, Sở sẽ rà soát, giao thêm nếu trường có đủ cơ sở vật chất, giáo viên. Nguyên tắc là đảm bảo chất lượng giáo dục và phù hợp với nhu cầu của phụ huynh, học sinh.

Vẫn đăng ký vào trường THPT Gia Định ở nguyện vọng 1, Thanh Hà cho biết sẽ cân nhắc thay đổi sau khi Sở công bố tỷ lệ chọi ở các trường công lập, dự kiến vào 14/5. Nếu tỷ lệ chọi tăng, Hà sẽ chuyển sang lựa chọn an toàn hơn là THPT Trưng Vương.

"Em hy vọng trường Gia Định được giao thêm chỉ tiêu để giảm tỷ lệ cạnh tranh", Hà nói.
 
Bên trên