Cảnh giác các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nguyệt Phan

Well-known member
Cảnh giác các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản



BDK.VN - Thời gian gần đây xuất hiện nhiều tội phạm lừa đảo qua mạng, sử dụng các cuộc gọi, tin nhắn, thư điện tử lừa đảo, giả mạo với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó phổ biến giả mạo tài khoản Facebook, Zalo, hộp thư điện tử của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở địa phương bằng cách thiết lập tài khoản Facebook, Zalo, hộp thư điện tử với tên tương tự, hình ảnh đại diện là hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kết bạn với cán bộ, nhân viên cấp dưới sau đó mạo danh chỉ đạo chuyển tiền phục vụ công việc của cơ quan hoặc vay mượn xử lý công việc cá nhân gấp để chiếm đoạt. Cá biệt, các đối tượng còn mạo danh bí thư thành ủy của một địa phương để gởi tin nhắn đề nghị chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng chỉ định sẵn để chiếm đoạt
Giả mạo lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một số vụ việc nghiêm trọng như: Mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, lừa đảo xuyên quốc gia; giả danh nhân viên bưu điện thông báo nhận bưu phẩm, nhân viên viễn thông thông báo nợ cước, nhân viên điện lực thông báo nợ tiền điện,... Khi nạn nhân trả lời mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các đối tượng lừa đảo sẽ khai thác thông tin cá nhân hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của đối tượng.
Giả mạo nhân viên của sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số,... gọi điện thoại hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân, nếu không thực hiện ngay những yêu cầu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị đó nữa. Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản.
Giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email,... mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng. Các đối tượng thường tiếp cận với nạn nhân bằng cách gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí. Sau đó hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục vay hoặc mở thẻ tín dụng qua trang web giả mạo ngân hàng; gửi các văn bản giả “xác nhận phê duyệt khoản vay” cho nạn nhân để tạo niềm tin và yêu cầu nạn nhân nộp lệ phí hoặc tiền trả góp đợt đầu vào tài khoản chỉ định rồi chiếm đoạt.
Lừa đảo bằng cách gửi tin nhắn rác vào các tài khoản người dùng với nội dung tuyển dụng cộng tác viên, nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà với thu nhập cao. Khi nạn nhân làm theo hướng dẫn trong tin nhắn, các đối tượng sẽ tự xưng là nhân viên tư vấn, tuyển dụng của công ty nào đó hay giả mạo là nhân viên của sàn thương mại điện tử để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng sau đó chiếm đoạt tiền.
Tự giới thiệu là người nước ngoài, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam; đề nghị nạn nhân nộp các khoản tiền như thuế, phí, cước vận chuyển,... vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà.

Thời gian tới, hoạt động lừa đảo qua mạng internet, bưu chính, viễn thông sẽ vẫn còn tiếp diễn, với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, có khả năng sẽ gây thiệt hại lớn cho người dân
Để kịp thời thông tin đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động biết, nâng cao cảnh giác tránh bị kẻ xấu mạo danh lừa đảo; phối hợp với cơ quan chức năng phục vụ công tác điều tra xử lý theo pháp luật khi phát hiện các đối tượng lừa đảo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương: Tăng cường thông tin tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức và người lao động nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu; tuyên truyền các biện pháp phòng tránh cụ thể như: Không truy cập vào các địa chỉ, đường link không rõ nguồn gốc, không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản cá nhân, xác nhận lại thông tin trước khi chuyển tiền cho bất kỳ ai, tăng cường bảo mật thông tin cá nhân (hình ảnh, giấy tùy thân,...) để không trở thành nạn nhân của các hoạt động lừa đảo nêu trên.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân biết, đề phòng. Phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin theo quy định, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vữa này.
Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy thuộc Tỉnh ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền; nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và thông tin, phản ánh với lực lượng công an các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới, các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin có thể bị các đối tượng lợi dụng để tiến hành các hoạt động lừa đạo.
 
Bên trên