Cuộc đua Nhà Trắng có thể định đoạt tương lai TikTok ở Mỹ

Quang Minh

Well-known member
TikTok đã trải qua năm 2023 nhiều biến động tại Mỹ, nhưng cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 có thể giúp ứng dụng này trỗi dậy.

Đầu năm 2023, số phận của TikTok tại Mỹ đã bị thử thách khi chính quyền một số bang tìm cách áp đặt các biện pháp hạn chế sử dụng nó, viện dẫn mối lo ngại về an ninh liên quan tới Trung Quốc. Bang Montana thậm chí đã ban hành lệnh cấm TikTok trên phạm vi toàn bang.

Tuy nhiên, hiện tại, TikTok dường như sẵn sàng cho năm 2024 với nền tảng vững chắc hơn, khi không chính đảng nào tại Mỹ muốn bắt đầu năm bầu cử bằng cách cấm một ứng dụng có tới 150 triệu người dùng, chủ yếu là thanh niên.

Logo TikTok hiển thị trên một màn hình điện thoại được chụp hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters


Logo TikTok hiển thị trên một màn hình điện thoại được chụp hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters

Ứng dụng này đã sống sót sau một năm mà trong đó giám đốc điều hành (CEO) của nó phải điều trần suốt 5 tiếng tại quốc hội và nhận về vô số chỉ trích. TikTok đã bị cấm cài đặt trên thiết bị của nhân viên chính quyền liên bang và các nhà lập pháp vẫn tiếp tục kêu gọi mở rộng hạn chế, gọi nó là "phần mềm gián điệp" hay "thuốc phiện kỹ thuật số".

Mặc dù những trở ngại chưa biến mất, dường như chúng đã giảm bớt đáng kể, giới quan sát đánh giá. Một thẩm phán liên bang đã chặn lệnh cấm TikTok ở Montana vào cuối tháng 11. Khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew gần đây cho thấy số người Mỹ ủng hộ lệnh cấm TikTok của liên bang đã giảm so với hồi đầu năm. Quốc hội Mỹ cũng đã không thông qua luật xử lý các ứng dụng có nguồn gốc nước ngoài như TikTok trong năm 2023.

Các sự kiện rõ ràng đang ủng hộ TikTok khi bước sang năm 2024.

"Lần đầu tiên TikTok sẽ trở thành tâm điểm với vai trò một ứng dụng cung cấp tin tức chính trị và quan điểm trong năm bầu cử. Đây là con đường vô cùng chông gai", Katie Harbath, nhà sáng lập kiêm CEO công ty chính sách công nghệ Anchor Change, nhận định. "Họ sẽ phải đưa ra những quyết định mà các công ty như Meta hay Google từng phải làm trước đây. Các ứng viên sẽ muốn tiếp cận cử tri trên nền tảng này, giống như cách mà chiến dịch của Tổng thống Joe Biden đang làm với những người có ảnh hưởng trên TikTok".

Harbath trước đây là giám đốc chính sách công cho các cuộc bầu cử toàn cầu tại Facebook, nay là Meta. Bà cho biết đảng Dân chủ và Cộng hòa đều sẽ cần đến TikTok để tiếp cận nhóm cử tri trẻ tuổi.

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Nikki Haley, người từng kêu gọi cấm TikTok, chắc chắn sẽ phải làm ngược lại trong chiến dịch tranh cử. "Suy cho cùng, ai có được cử tri, người đó sẽ giành chiến thắng", Harbath nhận định.


Dù vậy, Harbath dự đoán TikTok vẫn sẽ phải đối mặt với những quy định khó khăn tại Mỹ trong năm mới. Các cuộc thảo luận xung quanh việc TikTok buộc phải thoái vốn khỏi ByteDance, công ty mẹ ở Trung Quốc, dường như đã lắng xuống, nhưng đề xuất này vẫn chưa bị giới chức Mỹ loại bỏ hoàn toàn.

Bất kể đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ByteDance sẽ một lần nữa phải đối mặt với yêu cầu bán lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ, Harbath lưu ý.

"Việc mua bán sẽ phụ thuộc vào câu hỏi liệu các nhà đầu tư có nhìn thấy thách thức thực sự đối với TikTok khi họ tiếp tục liên kết với ByteDance hay không. Điều này có thể liên quan đến những khía cạnh địa chính trị rộng lớn hơn, như vấn đề Đài Loan", bà nói thêm.

Tranh cãi về TikTok bắt nguồn từ lo ngại rằng ứng dụng này có thể theo dõi người dùng Mỹ và gửi dữ liệu về cho chính phủ Trung Quốc. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Chris Wray mô tả TikTok là một rủi ro an ninh quốc gia, có thể bị biến thành "công cụ của chính phủ Trung Quốc". Ông cũng lo ngại Bắc Kinh sẽ dùng TikTok để gây ảnh hưởng đến người dùng Mỹ.

Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew trong phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện hồi tháng 3 năm ngoái khẳng định họ "chưa bao giờ chia sẻ hoặc nhận được yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc" và "TikTok cũng sẽ không tuân thủ nếu nhận được yêu cầu như vậy".

Ông nhiều lần nhấn mạnh ByteDance không thuộc về chính phủ Trung Quốc mà 60% công ty thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu.

Trọng tâm của cuộc tranh luận về TikTok nằm ở câu hỏi nên tin ai. "Nhưng chúng ta chưa có đủ thông tin để đưa ra quyết định đó", Harbath nói.

Harsh Taneja, phó giáo sư về truyền thông thuộc Đại học Illinois Urbana-Champaign, người nghiên cứu về ảnh hưởng của dư luận trên khắp thế giới, đã chỉ ra những khó khăn cố hữu khi tiếp cận dữ liệu về các nền tảng mạng xã hội ngày nay, vấn đề không chỉ ở riêng TikTok.

Theo Taneja, vấn đề là dữ liệu về các công ty công nghệ đang được chính họ cung cấp, không giống như thời kỳ trước đây, nơi các bên thứ ba như công ty Nielsen thu thập dữ liệu về lượng người xem và nội dung trên truyền hình.

"Dữ liệu từng được thu thập bởi bên thứ ba không phải là nhà quảng cáo trên nền tảng cũng như chính nền tảng đó", ông nói. "Chúng ta khi đó có nhiều khả năng theo dõi dữ liệu về lượng người xem hơn. Việc sử dụng dữ liệu ngày nay trên các nền tảng công nghệ không được rõ ràng như vậy."

Ông Shou Zi Chew tại phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Ông Shou Zi Chew tại phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Các chính trị gia Mỹ cáo buộc TikTok gây nghiện cho trẻ em và "đầu độc" giới trẻ, nhưng theo TikTok, nỗi sợ này cũng giống như cơn hoảng loạn về truyền hình những năm 1970, khi tác động tiêu cực của TV tới trẻ em trở thành một chủ đề nóng và các học giả liên tục xoáy sâu vào câu hỏi truyền hình có thể thúc đẩy quan điểm bạo lực như thế nào.

Taneja cho biết có một khoảng cách thế hệ rất lớn giữa những người sử dụng TikTok và những nhà lập pháp muốn cấm ứng dụng này.

"Hầu hết những người có quyền làm điều gì đó với TikTok rất có thể không nằm trong 150 triệu người dùng của nó ở Mỹ và chắc chắn không phải là người dùng chủ động", ông nói, thêm rằng cấm TikTok sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế sáng tạo.

Chantal Winston, một phụ nữ trẻ da màu chuyên đăng video tự làm nến, là một trong 5 triệu doanh nghiệp tham gia TikTok ở Mỹ.

"Thời điểm bắt đầu kinh doanh nến không độc BLKessence vào năm 2020, tôi thậm chí còn không nghĩ đến việc tạo tài khoản TikTok. Khi tôi bắt đầu tạo video TikTok làm nến vào năm 2021, tôi ước rằng mình đã làm điều đó sớm hơn", cô nói. Những video hậu trường về cách làm nến đã giúp Winston thúc đẩy đáng kể doanh thu.

Không phải tất cả người trẻ trên TikTok đều sử dụng nó để đăng video. Yashvi Tibrewal, chuyên viên marketing 25 tuổi sống ở Vịnh San Francisco, dùng ứng dụng này như một công cụ tìm kiếm. Phần lớn bạn bè cô cũng làm như vậy. "Đó là nơi chúng tôi đến để học hỏi mọi thứ", cô nói.

Trong khi phần lớn các cuộc tranh luận về TikTok tập trung vào mối quan hệ giữa ứng dụng này với chính phủ Trung Quốc, nhiều người trẻ ở Mỹ, như Tibrewal, lại quan tâm hơn đến việc các công ty thuộc sở hữu của Mỹ bị chính phủ tác động, đặc biệt là về các chủ đề như chính trị Trung Đông. Ví dụ, các ứng dụng thuộc Meta đã bị cáo buộc ẩn những nội dung về Palestine khi xung đột Gaza leo thang.

"Chúng tôi hoài nghi những gì các công ty Mỹ đang làm", Tibrewal nói, thêm rằng việc TikTok không thuộc sở hữu của Mỹ và không liên quan nhiều đến chính sách Mỹ cũng là điều khiến những người thuộc thế hệ của cô quan tâm.
 
Bên trên