Đà Nẵng từ 'trạm dừng nghỉ' trở thành điểm đến toàn cầu

Nguyệt Phan

Well-known member
Sau hơn một thập kỷ, Đà Nẵng đã khoác lên mình
một diện mạo mới mẻ với sự xuất hiện của loạt điểm đến quy mô
cùng những công trình kỷ lục.
15 năm trước, nhiều người hình dung về Đà Nẵng như một “thành phố buồn”. Thời bấy giờ, khách du lịch chỉ coi đây như một điểm trung chuyển trong hành trình đến Hội An, hệ thống khách sạn cũng ít. Khoảng 20h là đường phố tắt đèn, chỉ lác đác người đi và gần như không có quán xá mở cửa, ngoài các quán nhậu. Nhiều du khách vẫn còn giữ ấn tượng về một quán cháo trắng hột vịt muối nằm trên đường Phan Chu Trinh, nơi lui tới của những vị khách đi chơi hay đi làm về muộn.
15 năm trôi qua, Đà Nẵng đã khoác lên mình một diện mạo mới. Ngoài thay đổi về hạ tầng, giao thông, thành phố xuất hiện thêm loạt công trình kỷ lục, từ cáp treo Bà Nà và khu du lịch Sun World Ba Na Hills, khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, công viên châu Á - Asia Park cho đến những sự kiện tầm cỡ như lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF... Ngồi trên chuyến bay muộn từ khắp nơi đáp xuống sân bay Đà Nẵng, khách du lịch giờ đây được chiêm ngưỡng thành phố rực rỡ trong ánh đèn, khắp đường phố là tấp nập các cửa hàng, dịch vụ.
Trong nhiều năm gắn bó với Đà Nẵng, nhiều người Sun Group đã chứng kiến quá trình “thay da đổi thịt” của thành phố sông Hàn. Cho dù không sinh ra tại đây nhưng họ vẫn gọi nơi này bằng cái tên gần gũi: quê hương. Điều này xuất phát từ “mối duyên” kéo dài 15 năm, khi tập đoàn lựa chọn Đà Nẵng là điểm khởi đầu trong hành trình làm đẹp những vùng đất.


Con đường bộ rộng rãi nối từ chân núi lên đỉnh Bà Nà ngày nay có nguồn gốc từ một đường mòn có tuổi đời hơn trăm năm. Theo lịch sử ghi chép lại, vào tháng 2/1900, đại úy thủy quân lục chiến Debay nhận một nhiệm vụ đặc biệt do Doumer - toàn quyền Đông Dương thời bấy giờ giao phó: tiến hành thám sát dãy trung Trường Sơn để tìm một nơi điều dưỡng, bán kính là 150km kể từ Đà Nẵng hoặc từ Huế.
Sau nhiều ngày thăm dò khắp nơi từ đỉnh núi phía tây Thừa Thiên như A-Touat ở sông Se Kong, rặng núi Lỗ Đông về phía nguồn của sông Cẩm Lệ hoặc Túy Loan, cao nguyên bên sông Trà My… Debay cùng cộng sự đã phát hiện ra rặng núi vươn lên giữa hai nhánh sông chính của sông Bà Nà - Lỗ Đông, cách Đà Nẵng khoảng 25km, có độ cao từ 1.300-1.400m. Cùng những ghi chép hết sức tỉ mỉ về điều kiện thời tiết, địa hình, Debay kết luận trong báo cáo gửi lên toàn quyền Doumer “đây là địa điểm khả dĩ để thiết lập một nơi an dưỡng”. Tuy nhiên, với thời gian ít ỏi và công việc quá khó khăn, hành trình xây dựng miền đất hứa của Debay đã sớm khép lại. Thành quả mà ông để lại chỉ là một con đường mòn từ làng Hội Vực nằm bên hữu ngạn sông Túy Loan dẫn lên đến đỉnh Bà Nà, cùng căn nhà lớn được xây dựng trên đỉnh cao 1.360m.

Đường đi bộ lên Bà Nà được đại uý Debay cùng công nhân làm 100 năm trước
Bà Nà sau đó đã trải qua nhiều cuộc khai phá, xây dựng các công trình kiểm lâm, nhà ở phục vụ cho người Pháp. Mãi tới tháng 5/1923, khách sạn đầu tiên với quy mô hai tầng và 22 phòng mới được ra mắt, do thương gia Đà Nẵng Emile Morin làm chủ. Thời điểm này, con đường mòn lên đỉnh núi cũng được tu sửa, giúp người Pháp có thể "ăn sáng Tourane, ăn trưa Bà Nà".
Trong cuốn sách “Những người bạn của cố đô Huế” được xuất bản năm 1924, bác sĩ Sallet đã hé lộ những thông tin về tour Bà Nà phục vụ từ ngày 13/5 đến 15/7 hàng năm, khởi hành bằng xe hơi từ khách sạn Morin Đà Nẵng lúc 4g30 các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy trong tuần. Lịch trình đến chân núi khoảng 6h và tiếp tục hành trình lên đỉnh bằng ghế gánh khoảng 11h. Khách sẽ từ Bà Nà về Đà Nẵng vào những ngày chẵn (thứ hai, tư, sáu). Mỗi chuyến đi chỉ nhận 10 khách và phải thông báo trước ít nhất 48h với hành lý tối đa 30kg… Bác sĩ Sallet cũng đưa ra tính toán khi chính thức đón khách vào năm 1920, Bà Nà có 54 người lớn và trẻ nhỏ đến lưu trú; vào ba năm sau đó trung bình là 120 người.

Theo ghi chép lịch sử, trong thời kỳ phát triển hoàng kim, Bà Nà là một thị trấn thu nhỏ phục vụ riêng cho người Pháp với các dịch vụ bưu điện, ngân hàng, sở điện báo, thậm chí có cả lò bánh mì, nhà giặt là, sân tennis... Sau Cách mạng tháng 8, người Pháp rút về nước đã khiến Bà Nà trở thành một vùng đất hoang vắng phủ lớp bụi mờ của quá khứ. Khu nghỉ dưỡng vang bóng một thời cũng dần trôi vào quên lãng.
Hơn 20 năm trước, nhắc tới Bà Nà, người dân Đà Nẵng vẫn liên tưởng đến chốn thâm sơn cùng cốc mà chỉ những người dân địa phương lui tới để đốn củi. Mãi cho đến thời điểm tách tỉnh năm 1997, TP Đà Nẵng mới đưa ra quyết định khôi phục lại Bà Nà và kêu gọi đầu tư. Năm 1999, một công ty du lịch đầu tư hệ thống cáp treo loại nhỏ dài 1,5 km qua lại từ đồi Vọng Nguyệt đến đỉnh Bà Nà. Nhưng với cơ sở hạ tầng thô sơ, cộng thêm di chuyển khó khăn, Bà Nà vẫn chỉ dừng lại ở một điểm du lịch mang tính thời vụ, khai thác được vào 3 tháng hè khi thời tiết nắng ráo nhất trong năm. Lúc này, “miền đất hứa” một thời đang cần một hướng đi đúng để khôi phục được danh tiếng năm xưa.

Thống kê nửa đầu năm 2007, Đà Nẵng đã đón khoảng 577.400 lượt khách, tuy nhiên số ngày lưu trú chỉ dừng ở con số 1,67 ngày đối với khách quốc tế, 1,62 ngày với khách nội địa. Chi tiêu bình quân là 470.000 đồng một khách nội địa một ngày, khách quốc tế là 50 USD một người một ngày, chủ yếu chi trả cho dịch vụ lưu trú, đi lại và và ăn uống. Theo phân tích của giới chuyên gia, thành phố đang thiếu những sản phẩm du lịch hấp dẫn để giữ chân du khách. Ngoài ra, để khiến khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, Đà Nẵng rất cần đầu tư tổ chức các hoạt động sự kiện, lễ hội, xây dựng sản phẩm mang sắc màu riêng.
Năm 2007, Tập đoàn Sun Group quyết định đầu tư vào Bà Nà theo lời kêu gọi của lãnh đạo TP Đà Nẵng. Đỉnh núi ngàn mây khi ấy vẫn còn rất hoang sơ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên đỉnh Bà Nà chỉ có khách vào ba tháng hè, cứ hết mùa là phải dỡ chăn đệm, tivi, tủ lạnh xuống núi, những bức tường thì sũng nước khi vào mùa mưa. Du khách gần như không có lựa chọn vui chơi, giải trí.
“Chúng tôi bị thuyết phục bởi quyết tâm của lãnh đạo và đặc biệt là người dân thành phố Đà Nẵng khi ấy. Không chỉ có cơ chế thông thoáng từ phía chính quyền, hầu hết người dân đều nhất lòng hợp tác để du lịch thành phố phát triển. Trước sự quyết tâm ấy, chúng tôi đưa ra lời hứa với Đà Nẵng, rồi cứ thế làm”, ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Sun Group chia sẻ.

Mở đường cho hành trình phát triển Bà Nà, Tập đoàn Sun Group đã bắt tay với đối tác hàng đầu thế giới về cáp treo Doppelmayr triển khai tuyến cáp treo số 1. Những ngày đầu tiên lên công trường xây dựng trên đỉnh núi, đội ngũ kỹ sư và công nhân đã phải đối diện với không ít khó khăn về cả địa hình, khí hậu, điều kiện ăn ở, làm việc. Những cán bộ cốt cán của Sun Group cho đến giờ vẫn nhớ tốp công nhân nhà thầu đầu tiên lên công trường: lên tới đỉnh được 20 người, sau khi sắp xếp chỗ ăn ngủ đầy đủ thì sau một đêm đã… bỏ về gần hết, do không quen được cảnh sống trong nơi sương mù giá lạnh.
“Ngày ấy, tôi còn đặt câu hỏi với các lãnh đạo cấp trên là tại sao lại cứ phải chọn những chỗ khó khăn như vậy. Trong khi ở dưới thành phố Đà Nẵng thời bấy giờ, vẫn còn rất nhiều bãi biển rộng thênh thang, làm gì cũng dễ”, anh Dương Thế Bằng – Uỷ viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn - một trong những người Sun Group đầu tiên thực hiện dự án cáp treo Bà Nà - cho hay.

Bà Nà để lại ấn tượng sâu sắc với anh Trịnh Văn Hà (khi đó là kỹ sư trắc đạc) về một nơi heo hút, đi lại khó khăn, mưa dầm sương mù giăng kín lối đi. Công việc của anh và các công nhân ngày ấy thường xuyên ở trong rừng, không có điện đóm, không có sóng di động…, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Chỉ vào dịp rảnh rỗi cuối tuần, mọi người mới có thời gian đi bộ xuống dưới cây cầu nơi chân núi – nơi duy nhất có sóng điện thoại để liên lạc với người thân.
Trong trí nhớ của anh Hà, cuộc sống trên công trường làm cáp treo Bà Nà gói gọn bằng hai từ “khắc nghiệt”. Đó là những ngày mưa, nước dâng cao, gạo hết, mấy anh em chuyển sang ăn mỳ gói. Gặp những ngày mưa rừng triền miên, không thể kết nối với bộ phận cung ứng thức ăn thì chỉ đành chống đói qua ngày bằng rau và cá rừng, cây cối có thể đổ ập xuống bất cứ khi nào những ngày mưa lớn.
Ngoài những thiếu thốn về mặt vật chất, điều kiện lao động, việc thi công cũng chẳng dễ dàng. Thời điểm năm 2007, công nghệ GPS cao tần chưa được phát triển tại Đà Nẵng nói chung và dự án Bà Nà nói riêng, để có đường thẳng dài 6.000 m trong rừng Bà Nà là một điều không đơn giản. Sai số kỹ thuật chỉ cho phép khoảng 20mm. Giải pháp ban đầu là chia làm hai đoàn đo đạc. Một đoàn đo từ trên cao đo xuống, một đoàn đo từ dưới đo lên. Nhưng, khi hai đoàn đo gặp nhau thì cách nhau tới… 5m. Khi đó, các anh em phải ngồi lại với nhau bàn bạc tìm kiếm giải pháp, quyết định lập hệ thống khống chế bằng lưới GPS sau đó lập hệ thống DC. Chỉ đến khi đó việc đo đạc mới ra được kết quả.

Điều mà nhiều người không thể quên có lẽ là đoạn đường từ chân núi lên đỉnh Bà Nà. Đường đi chỉ có 16 km nhưng xe tải phải đi mất tới… 4 tiếng đồng hồ. Những đoạn đường dốc đứng, nhiều khúc cua tay áo, xe phải “bò” từng mét. Trên cabin lái xe điều khiển thì phía dưới có hai người phụ. Cứ xe lăn được vài bước chân là phải dùng đá chèn bánh để khỏi trượt. Năng suất vận chuyển vì thế cũng chậm, xe thì nhanh xuống cấp, hư hỏng phải thay xe mới. Nhiều nhà thầu lắc đầu vì công trình quá cực khổ và nguy hiểm.
Không chỉ con đường vận chuyển vật liệu mà để đi được từ văn phòng đến nơi xây dựng các trụ, kéo cáp cũng rất khó khăn. Từ chân Bà Nà lên công trường đều là rừng nguyên sinh, không có đường. Đối tác cáp treo khi thi công ở nước ngoài tuy có nhiều phương tiện như trực thăng đến khảo sát nhưng ở Bà Nà địa hình khó tiếp cận hơn. Ở đây có nhiều thung lũng, nơi thì rất sâu phải lội xuống, đoạn thì đường trơn trượt nên thường phải có nhóm vài người cùng đi để còn hỗ trợ nhau mới leo được.
13 năm gắn bó với Đà Nẵng, anh Dương Thế Bằng vẫn không thể quên được những ngày tháng “nếm mật nằm gai” trên đỉnh Bà Nà, khi các anh em phải mặc đến hai lớp áo mưa để tránh gió lạnh, đứng trong căn bếp lụp xụp và ăn những bữa cơm không thể chín nổi do nhiệt độ sôi trên đỉnh núi chỉ khoảng 85 độ C. Khi ăn mọi người phải đội mũ công trường, để nước mưa theo vành mũ chảy ra ngoài, không chảy vào bát cơm. Quần áo mỗi lần giặt nếu phơi thì một tuần không khô, phải sấy bằng máy nhưng mùi hương vương lại vẫn thật khó tả.


Ngày 25/3/2009, sau đúng một năm thi công, tuyến cáp treo số một được đưa vào vận hành, quy mô 22 trụ với 96 cabin, công suất phục vụ 1.500 khách một giờ. Chứng kiến đám đông hiếu kỳ xếp hàng chờ đến lượt đi lên cáp treo trong ngày khai trương cùng đoạn đường tắc đến 4 km khi Sun Group tổ chức sự kiện tri ân người dân Đà Nẵng, anh Dương Thế Bằng lúc này mới chắc chắn đã tìm thấy câu trả lời cho thắc mắc của mình.

“Tôi không còn hoài nghi gì nữa, mà biết rằng sự hấp dẫn của Bà Nà là có thật”, anh Bằng bày tỏ.
Tháng 3/2013, tuyến cáp treo số ba từ thác Tóc Tiên - Indochine kết nối thẳng chân núi với đỉnh Bà Nà ở độ cao 1.487 m ra đời, giúp hành trình lên đỉnh núi Chúa của du khách được rút xuống còn 17 phút. Tuyến cáp này đã nhận cùng lúc 4 kỷ lục Guinness thế giới gồm: tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới, có độ chênh giữa ga đi và ga đến cao nhất thế giới, chiều dài một sợi cáp không nối dài nhất thế giới và độ nặng cuộn cáp nặng nhất thế giới. Năm 2017, hai tuyến cáp Hội An - Marseille dài 5,88 km và Bordeaux- Louvre dài 800 m tiếp tục được ra mắt, nâng công suất phục vụ của toàn tuyến lên con số 6.500 khách một giờ.

Mỗi tuyến cáp ra đời cũng mở ra những đổi thay mới, giúp du khách đến Bà Nà Hills không chỉ được ngắm núi rừng từ trên cao mà còn có cơ hội tận hưởng những trải nghiệm đa dạng. Trong không gian tĩnh lặng, khách du lịch được chiêm bái, vãn cảnh tại đền Lĩnh Chúa Linh Từ, chùa Linh Ứng Bà Nà, tháp Linh Phong Tự. Giữa nơi ngàn mây bao phủ, một “góc Pháp thu nhỏ” cũng thu vào tầm mắt du khách với những lâu đài cổ kính trong khuôn viên làng Pháp nằm nép mình trong sương mỗi khi chiều về. Ngoài ra, còn có xứ sở hoa rực rỡ Le Jardin d’Amour, khu vui chơi giải trí trong nhà rộng 21.000 m2 Fantasy Park, hầm rượu cổ Debay xuyên lòng núi, khách sạn Mercure Danang French Village Bana Hills, hệ thống các nhà hàng sang trọng phục vụ đầy đủ nhu cầu...
Mỗi ngày tại khu du lịch Sun World Ba Na Hills đều vang lên những vũ điệu vui nhộn. Trên đường phố, dàn vũ công nước ngoài hóa thân thành những nàng tiên, hoàng tử, công chúa hay những nhân vật hoạt hình và say sưa kể những câu chuyện bằng âm nhạc. Cho dù là thời điểm nào trong năm, Bà Nà vẫn sôi động nhờ các buổi biểu diễn carnival được tổ chức đều đặn, những lễ hội tưng bừng suốt 4 mùa.


Tháng 6/2018, sự xuất hiện của cầu Vàng bất ngờ được báo chí thế giới ca ngợi là Cây cầu đi bộ ấn tượng nhất thế giới. Với thiết kế gợi lên hình ảnh một dải lụa được nâng niu trên đôi bàn tay của vị thần khổng lồ, cầu Vàng đã nhận danh hiệu “Top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2018” do Tạp chí Time bình chọn. Tháng 3/2012, tờ Daily Mail (Anh) công bố Cầu Vàng dẫn đầu danh sách top 10 kỳ quan mới của thế giới theo bình chọn của thế hệ trẻ. Theo thống kê, cứ ba du khách đến Đà Nẵng khi ấy, thì hai người yêu cầu được tham quan Cầu Vàng.
Suốt 10 năm hoạt động, Sun World Ba Na Hills đã 4 lần liên tiếp được Tổng cục Du lịch Việt Nam vinh danh “Khu du lịch hàng đầu Việt Nam” và được World Travel Awards vinh danh là “Điểm du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới”.

Ngoài Bà Nà, không thể không kể đến InterContinental Danang Sun Peninsula Resort - “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới" do World Travel Awards bình chọn. Nằm tại bán đảo Sơn Trà, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort mang một dáng vẻ đặc trưng với các căn biệt thự nép mình giữa những cánh rừng, ngọn đồi, biển cả với bãi cát trắng và làn nước trong xanh. Được thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh Bill Bensley, các chi tiết kiến trúc và văn hóa Việt Nam được tái hiện xuyên suốt trong không gian của khu nghỉ dưỡng. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên khoáng đạt giữa rừng và biển từ ban công, thưởng thức các món ẩm thực đa dạng và những dịch vụ lưu trú cao cấp, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Đi vào hoạt động từ năm 2012, đến nay khu nghỉ dưỡng này đã trở thành điểm đến của nhiều ngôi sao, các chính trị gia và những nhân vật quan trọng trên thế giới.
Một công trình khác của Tập đoàn Sun Group cũng mang đậm dấu ấn thiên nhiên đó là Premier Village Danang Resort - “Khu nghỉ dưỡng dành cho gia đình sang trọng nhất thế giới” (do World Luxury Hotel Awards trao tặng). Với quy mô 15 ha, khu nghỉ dưỡng 5 sao nằm dọc bãi biển Mỹ An, sở hữu hồ bơi vô cực ngoài trời và bãi biển riêng. Du khách đến đây sẽ được thư giãn giữa những biệt thự hiện đại, đầy đủ tiện nghi với hệ thống nhà hàng và bar xen lẫn các khu vườn nhiệt đới xanh tươi.

Những công trình biểu tượng, chuỗi sự kiện quy mô cũng trở thành động lực quan trọng tạo nên con số tăng trưởng ấn tượng của du lịch Đà Nẵng. Theo thống kê, từ năm 2009 đến 2018, lượng khách tới Đà Nẵng tăng 463%, du khách đến Bà Nà tăng hơn 160 lần. Năm 2017, mỗi khách nội địa lưu trú trung bình 2,9 ngày ở Đà Nẵng và mỗi khách quốc tế khoảng 3,9 ngày; mức chi tiêu trung bình tương ứng là 2,8 và 6,2 triệu đồng (gấp gần 6 lần so với năm 2007). Năm 2019 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch thành phố, thể hiện qua con số 8,6 triệu lượt du khách, trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt, mang về tổng thu ước đạt 30.973 tỷ đồng.
Trở lại sau đại dịch, Sun World Ba Na Hills tiếp tục được nâng cấp thành một phiên bản mới thu hút hơn. Du khách sẽ có cơ hội bước vào thế giới thần thoại của những người khổng lồ tại hai vương quốc Mặt trăng và Mặt trời, cùng hàng loạt công trình, sản phẩm du lịch mới mang tính biểu tượng.


Sau 15 năm, hành trình làm đẹp những vùng đất của Sun Group vẫn chưa dừng lại tại thành phố biển. Cùng với Sun World Ba Na Hills, là Công viên châu Á - Asia Park quy mô nhộn nhịp suốt bốn mùa, những khu nghỉ dưỡng hút khách quốc tế như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Premier Village Danang Resort, Novotel Danang… hay “Sân golf tốt nhất châu Á năm 2021” Ba Na Hills Golf Club (do World Golf Awards trao tặng).
“Tất cả mới chỉ là bắt đầu” - đúng như lời một đại diện Sun Group từng nói, trong tương lai Sun Group sẽ vẫn tiếp tục cuộc hành trình ấn tượng tại thành phố ven sông Hàn, nhằm mang thế giới về Việt Nam và đưa Việt Nam ra thế giới.
 
Bên trên