Đặc sản Hải Phòng tên lạ tai khó tìm ở nơi khác

Thuyvan

Well-known member
Đặc sản Hải Phòng tên lạ tai khó tìm ở nơi khác



Hải Phòng là quê hương của nhiều món ăn có tên gọi độc đáo như bánh đúc tàu, giá bể, sủi dìn, chí chương, xì lồng cấu.
Bánh đúc tàu

Bánh đúc tàu cô Chuyền trên đường Cát Dài (cũ). Ảnh: Nguyên Chi

Bánh đúc tàu cô Chuyền trên đường Cát Dài (cũ). Ảnh: Nguyên Chi

Món ăn này có xuất xứ từ những người gốc Hoa sống ở Hải Phòng trước đây nên có tên gọi là bánh đúc tàu. Phần bánh đúc được làm từ bột gạo tẻ xay mịn, thêm chút muối và nước, khuấy đều cho tan rồi để nghỉ khoảng nửa tiếng rồi đem hấp từng lớp mỏng, lớp này qua lớp khác. Topping gồm có đu đủ xanh luộc sơ qua rồi thái hạt lựu, trộn với bột điều cho có màu cam bắt mắt. Tôm và thịt ba chỉ sau khi được làm sạch thì ướp với gia vị mặn ngọt như hạt nêm, muối, đường, bột màu điều rồi đem xào tới khi săn lại là hoàn thành.

Khi ăn, chủ quán sẽ cắt bánh đúc, thêm đu đủ, tôm thịt rồi chan một muỗng nước dùng âm ấm. Vị bánh đúc trắng dai dai, nước dùng chua ngọt nhẹ, quyện với vị đậm đà của tôm và thịt, thêm đu đủ sật sật, tạo nên hương vị của một món ăn vặt vỉa hè đậm chất đất Cảng. Đây là món quà chiều có giá rẻ ở Hải Phòng, thường bán ở một số nơi như đường Hai Bà Trưng, chợ Cố Đạo, chợ Lương Văn Can.

Giá bể

Giá bể đặc sản độc đáo ở Hải Phòng. Ảnh: Nguyên Chi

Giá bể đặc sản độc đáo ở Hải Phòng. Ảnh: Nguyên Chi

Giá bể là loài nhuyễn thể sống ở biển, có phần vỏ mềm, phần chân thò ra ngoài khoảng 4-5cm có vị giòn giòn. Giá bể được làm sạch, ướp gia vị đường, nghệ, mắm, thêm bột mì vào để tạo độ sánh đặc và tương ớt cay. Bát giá bể nhỏ nhưng ăn khá mất thời gian vì phải nhằn bằng miệng khá lâu nhưng vị ngọt, giòn dai vẫn khiến nhiều người phải lòng. Khi mua, bạn có thể gọi thêm phần chân ăn dai dai, gia vị hòa quyện. Một số nơi bán giá bể ở Hải Phòng như 47 Chu Văn An, chợ Lương Văn Can, chợ Hàng, 103 Dư Hàng, 166 Lương Khánh Thiện, chợ Cát Bi, 112 Hàng Kênh...

Xì lồng cấu

Đặc sản Hải Phòng tên lạ tai khó tìm ở nơi khác - 3

Xì lồng cấu có lẽ là món ăn có tên gọi độc đáo nhất ở Hải Phòng. Đây thực chất là món bánh tương tự bánh tổ của người Hoa, còn có tên gọi khác là tài lồng ệp ở Quảng Ninh. Món được làm từ bột gạo nếp, đường phèn hoặc mật mía, một ít nước gừng giã dập rồi nhào bột với nước đường gừng vừa nấu.

Công đoạn nhào khá mất thời gian, người làm bánh phải nhào đến khi thấy bột dẻo quánh không còn dính tay mới thôi. Sau đó dàn bánh lên lớp lá chuối, rắc lạc, vừng rang lên mặt bánh và thêm một lớp lá chuối khác, cuối cùng là cho bánh vào hấp. Bánh hấp tốn từ 6 đến 12 tiếng, tùy loại bánh. Khi ăn, người ta thường rán cho thơm ngon. Xì lồng cấu thường bán ở các khu chợ truyền thống Hải Phòng hoặc ở một số hàng bánh đúc tàu.

Bánh bẻng

Món bánh giá bình dân, thơm ngon. Ảnh: Nguyên Chi

Món bánh giá bình dân, thơm ngon. Ảnh: Nguyên Chi

Trong khi các món bánh đúc tàu, bánh đa cua, bún cá cay, dừa dầm... được "xuất khẩu" sang nhiều tỉnh thành, bánh bẻng vẫn được coi là đặc sản riêng có ở Hải Phòng. Bánh bẻng được làm từ bột mì, men nở, đường, trứng gà. Đây là đồ ăn vặt dân dã ở đất Cảng, quen thuộc với giới học sinh sinh viên sau giờ học. Bánh bẻng gần giống bánh tiêu ở miền Nam, to bản, nóng hổi, bên trong mềm xốp, thơm thơm. Người Hải Phòng khi ăn miếng nhỏ chấm với sữa đặc, khiến món ăn được "nâng tầm hương vị" hơn hẳn.

Chí chương

Đặc sản Hải Phòng tên lạ tai khó tìm ở nơi khác - 5

Những người lần đầu tới Hải Phòng thường bất ngờ khi nghe tên món ăn này. Thực chất đây là cách gọi của người đất Cảng về món tương ớt ở quê mình. Chí chương cũng có nguồn gốc từ người Hoa ở Hải Phòng trước đây, có tên gọi từ tên phiên âm tiếng Trung từ món tương ớt. Nguyên liệu làm chí chương bao gồm ớt và cà chua tươi bỏ hạt, trộn với tỏi băm nhuyễn, cho thêm chút muối rồi lên men. Chí chương ngon phải cay nồng, có vị chua nhẹ, màu đỏ tươi bắt mắt.

Sủi dìn

Món sủi dìn ở Hải Phòng. Ảnh: Phong Kiều

Món sủi dìn ở Hải Phòng. Ảnh: Phong Kiều

Mùa đông, các quán sủi dìn ở Hải Phòng luôn tấp nập khách ra vào. Sủi dìn gần giống với bánh trôi tàu ở Hà Nội. Viên bánh nhỏ xinh, được nặn và luộc tại chỗ. Nước dùng sủi dìn có hương vị thơm dậy mùi cay nồng của gừng tươi giã nhỏ nấu với mật mía hoặc đường thốt nốt. Nhân bùi béo vì có vừng đen, lạc rang giã nhỏ và cùi dừa nạo.
 
Bên trên