Đánh giá MacBook Air M1 ở năm 2023: Apple M1 vẫn mạnh, pin dùng lâu, thiết kế hợp thời

TRỊNH THỊ THANH THẢO

Well-known member
Không phải ngẫu nhiên mà MacBook Air M1 lại giữ vị thế TOP 1 doanh số MacBook bán ra của Apple trên toàn thế giới trong vòng 2 năm liên tiếp. Một trong những điểm nâng cấp đáng giá của chiếc laptop này nằm ở con chip Apple M1 Silicon cực kỳ mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thiết bị còn sở hữu nhiều điểm cộng khác về thiết kế, màn hình, thời lượng sử dụng pin cũng như mức giá rất hấp dẫn. Sau đây, mời các bạn cùng mình đánh giá MacBook Air M1 ở năm 2023 để xem chúng ta có còn nên mua sản phẩm này hay không nha!
Lưu ý: Giá MacBook Air M1 2020 phiên bản RAM 8 GB, SSD 256 GB, 7-core GPU tại Thế Giới Di Động là 18.79 triệu đồng (có thể thay đổi tùy vào từng thời điểm và chương trình khuyến mãi.


Hiệu năng MacBook Air M1 vẫn bá đạo với chip Apple M1
Mình sẽ điểm nhanh thông số cấu hình MacBook Air M1 cho các bạn dễ nắm bắt nha!

  • Màn hình: kích thước 13.3 inch, độ phân giải 2.560 x 1.600 pixel, hỗ trợ True Tone, dải màu P3, độ sáng 400 nit.
  • CPU: Apple M1 8 nhân (4 nhân hiệu suất cao + 4 nhân tiết kiệm điện).
  • GPU: 7 nhân (phiên bản mình đang dùng), máy còn có phiên bản 8 nhân GPU.
  • RAM: 8 GB (phiên bản mình đang dùng), máy hỗ trợ phiên bản tối đa 16 GB.
  • Ổ cứng: SSD 256 GB (phiên bản mình đang dùng), máy hỗ trợ phiên bản tối đa 2 TB.
  • Hệ điều hành: macOS 13.3 Ventura.
  • Pin: Dung lượng 49.9 Wh, có thể hoạt động lên đến 18 tiếng khi xem Apple TV và xem video (theo Apple công bố), sạc nhanh 30 W.
  • Tình trạng pin: 100%.

Thông số cấu hình MacBook Air M1 vẫn rất ngon ở thời điểm hiện tại.
Để nói về hiệu năng của MacBook Air M1 thì mình tin là đã có rất nhiều bài viết hay bài test về sự vô đối của chiếc máy này trong tầm giá. Đây cũng chính là lý do chính mà nhiều người dùng quyết định bỏ tiền ra để mua MacBook Air M1 ở thời điểm máy ra mắt. Hiện tại, giá thành của sản phẩm đã hạ đi nhiều nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng chip M1 bị yếu đi. Thiết bị có thể cân tốt mọi tác vụ cơ bản, xử đẹp cả những tác vụ nặng về đồ họa như render 3D hay video 4K.


Những tác vụ đồ họa không thể làm khó được MacBook Air M1.
Trong quá trình dùng MacBook Air M1, khi mình thao tác mở các ứng dụng, lướt, đa nhiệm,... thì máy gần như phản hồi ngay lập tức. Đối với cá nhân mình, về khoản trải nghiệm hiệu năng như vậy trên một sản phẩm mang tính chất mỏng nhẹ như MacBook Air là một điều không tưởng. Bởi vốn dĩ những thế hệ MacBook Air trước đây mình được trải nghiệm đều có hiệu năng không tốt lắm.


Trải nghiệm hiệu năng của mình với MacBook Air M1 thực sự rất tuyệt vời.
Tuy nhiên, mình muốn chia sẻ một chút về dung lượng RAM 8 GB trên MacBook Air M1. Đối với nhu cầu sử dụng của mình trong thực tế (gõ văn bản, mở hơn 20 tab Chrome, mở thêm các ứng dụng nhắn tin và một số app lặt vặt khác) thì MacBook Air M1 đôi lúc gặp hiện tượng giật. lag và báo rằng hệ thống bị thiếu RAM. Do đó, mình khuyên các bạn nên lựa chọn phiên bản RAM 16 GB để có được trải nghiệm tốt nhất với MacBook Air M1.


Đối với nhu cầu sử dụng của bản thân mình thì dung lượng RAM 8 GB của MacBook Air M1 là không đủ.
Không để các bạn phải chờ lâu nữa, mình sẽ sử dụng những phần mềm chấm điểm chuyên dụng như GeekBench 6, 3DMark Wild Life Extreme, Cinebench R23 để kiểm tra hiệu năng MacBook Air M1 sau hơn 2 năm. Kết quả mình thu được như sau:

- GeekBench 6:

  • Đơn/đa nhân: 2.324 điểm/8.202 điểm.
  • GPU Compute: 18.330 điểm.

Điểm GeekBench 6 của MacBook Air M1.
- 3DMark Wild Life Extreme:

  • Điểm tổng: 4.127 điểm.
  • FPS trung bình: 24.7.

Điểm 3DMark Wild Life Extreme của MacBook Air M1.
- 3DMark Wild Life Extreme Stress Test:

  • Độ ổn định: 75.4%.
  • Số điểm chênh lệch giữa vòng lặp cao nhất và thấp nhất: 1.016 điểm.

Điểm 3DMark Wild Life Extreme Stress Test của MacBook Air M1.
- Cinebench R23:

  • Đơn nhân: 1.501 điểm
  • Đa nhân: 6.750 điểm.

Điểm Cinebench R23 của MacBook Air M1.
Như vậy, hiệu năng của MacBook Air M1 ở năm 2023 vẫn cho ra những điểm số rất ấn tượng và thậm chí nhỉnh hơn một số mẫu laptop Windows trong cùng phân khúc. Nếu như so sánh MacBook Air M2 và MacBook Air M1 về mặt hiệu năng thì mình thấy con chip M1 sẽ chỉ kém hơn M2 một chút trong việc xử lý các tác vụ nặng mà thôi. Đối với một người dùng cơ bản như mình khi sử dụng cả 2 sản phẩm cho các tác vụ văn phòng cơ bản thì sự khác biệt là không nhiều.


Mình cũng sử dụng MacBook Air M1 cho việc chơi game.
Ngoài ra, mình cũng sử dụng MacBook Air M1 cho việc chơi game nhẹ để giải trí sau mỗi giờ làm việc căng thẳng. Như các bạn có thể thấy ở các video dưới đây thì mình chơi 2 game là Liên Minh Huyền Thoại và Resident Evil Village. Đối với trò chơi đầu tiên là Liên Minh Huyền Thoại, MacBook Air M1 của mình hoàn toàn cân được mức thiết lập đồ họa cao nhất (như hình bên dưới) mà không gặp bất kỳ hiện tượng giật lag nào kể cả khi giao tranh với nhiều đối thủ cùng các hiệu ứng kỹ năng phức tạp.


Thiết lập đồ họa trong Liên Minh Huyền Thoại mà mình chỉnh được với MacBook Air M1.
Mình cũng phải dành lời khen cho MacBook Air M1 khi máy cho ra tốc độ khung hình rất ổn định (dao động từ 60 - 80 FPS) nên mọi chuyển động trong game đều rất mượt mà, trơn tru.


Trải nghiệm Liên Minh Huyền Thoại trên MacBook Air M1.
Sang đến tựa game kinh dị nặng về đồ họa là Resident Evil Village thì mình thiết lập đồ họa ở mức thấp (như hình bên dưới đây) để có được trải nghiệm ổn định nhất.


Đối với Resident Evil Village, mình chỉ thiết lập đồ họa ở mức thấp để có được trải nghiệm chơi ổn nhất trên MacBook Air M1.
Tuy Resident Evil Village đã được phát hành trên các thiết bị Mac một thời gian nhưng đến bây giờ mình mới có cơ hội được trải nghiệm. Thật sự mình cảm thấy khá bất ngờ trước vô số những khu vực, địa điểm thú vị cũng như cảnh quan tuyệt đẹp được trau chuốt tỉ mỉ, phác hoạ cực kỳ chi tiết về một vùng đất Đông Âu tuyết trắng phủ đầy hùng vĩ.


Dù Resident Evil Village là một tựa game khá nặng nhưng MacBook Air M1 vẫn có thể xử lý tương đối tốt.
Ngạc nhiên hơn nữa là chiếc MacBook Air M1 hoàn toàn có thể xử lý được những khung cảnh ấy khá tốt, trải nghiệm chơi tương đối mượt với tốc độ khung hình dao động từ 50 - 60 FPS.


Trải nghiệm Resident Evil Village trên MacBook Air M1.
Bên cạnh việc test hiệu năng ở trên, mình cũng tiến hành đo tốc độ đọc/ghi SSD của MacBook Air M1 để các bạn có cái nhìn trực quan nhất. Trong quá trình dùng MacBook Air M1, mình thấy tốc độ SSD của máy tương đối nhanh và thậm chí là nhỉnh hơn đôi chút so với thế hệ kế nhiệm là MacBook Air M2. Mình có sử dụng 2 phần mềm là AJA System Test Lite và Blackmagic Disk Speed Test để đo tốc độ SSD cho MacBook Air M1, kết quả mình thu được như sau:

- Blackmagic Disk Speed Test:

  • Tốc độ đọc: 1.473 MB/s.
  • Tốc độ ghi: 1.656 MB/s.

Đo tốc độ SSD của MacBook Air M1 bằng phần mềm Blackmagic Disk Speed Test.
- AJA System Test Lite:

  • Tốc độ đọc: 1.275 MB/s.
  • Tốc độ ghi: 1.490 MB/s.

Đo tốc độ SSD của MacBook Air M1 bằng phần mềm AJA System Test Lite.
Đối với mình, việc MacBook Air M1 không có quạt cũng vừa là điểm cộng vừa là điểm trừ của sản phẩm. Điểm cộng là mỗi khi mình mang máy đi cafe hay ngồi làm việc ở văn phòng thì máy không phát ra một tiếng động nào ngoài tiếng gõ phím và điều này tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh. Bên cạnh đó, việc MacBook Air M1 không có quạt tản nhiệt cũng hạn chế được tình trạng bụi lọt vào những linh kiện bên trong, từ đó gia tăng độ bền và tuổi thọ cho thiết bị.


MacBook Air M1 không có quạt tản nhiệt nên máy không phát ra tiếng động lớn.
Còn điểm trừ mà mình đề cập ở trên chính là MacBook Air M1 sẽ bị nóng lên đôi chút khi mình xử lý một số tác vụ nặng như chỉnh sửa hình ảnh qua Lightroom hay Photoshop. Mình có một giải pháp để khắc phục đó là sử dụng MacBook Air M1 trong phòng máy lạnh, khi đó thì máy sẽ không còn gặp hiện tượng nóng lên nữa.


Khi sử dụng MacBook Air M1 cho tác vụ chỉnh sửa hình ảnh bằng Lightroom thì mình nhận thấy máy có nóng lên.
Nhìn chung, Apple đã làm tốt trong việc tối ưu nhiệt độ cho MacBook Air M1 khi mà một chiếc laptop không có quạt lại hoạt động tương đối mát mẻ.

Thời lượng sử dụng pin trên MacBook Air M1 vẫn là một điều gì đó quá khác biệt
Mặc dù dung lượng pin của MacBook Air M1 chỉ là 49.9 Wh nhưng mình dùng chiếc máy này mãi một ngày không thể hết được pin. Tác vụ hằng ngày và công việc của mình là soạn thảo nội dung, chỉnh sửa hình ảnh, nghe nhạc, lướt web, check mail. Thật sự là mình dùng có hôm đến tận 11 giờ đêm mà pin máy vẫn còn hơn 30%.


Dung lượng pin của MacBook Air M1 là 49.9 W và thời lượng sử dụng của máy rất ấn tượng.
Tại thời điểm MacBook Air M1 ra mắt thì mình không tin vào những gì mà Apple quảng cáo cho thời lượng sử dụng pin của máy. Tuy nhiên, sau khi sử dụng thực tế MacBook Air M1 thì mình đã quá sốc về mức độ trâu bò của thiết bị. Hơn nữa, MacBook Air M1 còn là một chiếc laptop rất mỏng nhẹ, điều này đánh bại hầu hết các đối thủ trong cùng phân khúc hoặc thậm chí cao hơn nữa (nếu xét về thời lượng dùng pin).


So với nhiều đối thủ trong cùng phân khúc, thời lượng dùng pin của MacBook Air M1 vẫn là vô đối.
Để các bạn có cái nhìn trực quan hơn thời lượng sử dụng của MacBook Air M1 thì mình sẽ tiến hành test pin máy dựa trên nhu cầu sử dụng thực tế của bản thân với những thiết lập như sau:

  • Độ sáng màn hình: 100% xuyên suốt quá trình sử dụng, tắt tính năng tự động điều chỉnh độ sáng màn hình.
  • Độ sáng bàn phím: Tự động theo môi trường.
  • Âm thanh: Cài đặt ở mức 50%.
  • Có bật Bluetooth liên tục để kết nối với một số phụ kiện.

Đây là những thiết lập mà mình chỉnh để phục vụ cho quá trình test pin MacBook Air M1.

Suýt chút nữa thì mình quên, tình trạng pin của MacBook Air M1 là 100% nha các bạn!
Mình bắt đầu công việc từ 9 giờ 22 phút sáng và lúc này MacBook Air M1 của mình đang có 100% pin. Sau đó mình mở khoảng 16 cái tab Chrome để làm việc (chủ yếu là lướt xem tin công nghệ, gõ nội dung, lập kế hoạch,...). Mình cũng mở thêm các app như Photoshop để chỉnh sửa một số tấm ảnh và dùng Line, Messenger để nhắn tin.


Mình bắt đầu làm việc từ 9 giờ 22 phút sáng mà máy lúc này có 100% pin.
Sau khi hoàn thành công việc trước buổi trưa thì MacBook Air M1 của mình vẫn còn đến 73% pin. Tiếp theo, mình có nghỉ ngơi khoảng 30 phút và quay trở lại công việc (tất nhiên là mình để máy ở chế độ Sleep) và mức 73% pin ở trên vẫn được giữ nguyên.


Trước khi nghỉ trưa thì MacBook Air M1 của mình vẫn còn đến 73% pin.
Mình vẫn tiếp tục với những tác vụ ở trên và đến 14 giờ 07 phút chiều thì pin MacBook Air M1 lúc này còn lại 65%. Sau đó, mình có thêm tác vụ sửa hình ảnh bằng Lightroom lẫn Photoshop đến 16 giờ 02 phút chiều thì pin máy còn 28%. Có lẽ việc chỉnh sửa hình ảnh thông qua Lightroom tiêu tốn nhiều điện năng nên MacBook Air M1 của mình còn 28% pin sau khi hoàn thành tác vụ sửa ảnh.


Sau khi nghỉ trưa thì mình tiếp tục công việc đến tầm 14 giờ chiều thì MacBook Air M1 còn 65% pin.

Có lẽ tác vụ chỉnh sửa hình ảnh bằng LIghtroom tiêu tốn nhiều điện năng nên MacBook Air M1 của mình còn 28% pin lúc 16 giờ chiều.
Kết thúc một ngày làm việc ở công ty thì mình bắt đầu về nhà (trên đường di chuyển thì MacBook Air M1 vẫn ở chế độ Sleep). Sau khi mình về đến nơi thì thiết bị lúc này vẫn giữ nguyên mức 28% pin khi còn ở công ty. Qua đó, mình phải dành lời khen cho Apple khi hãng đã tối ưu rất tốt cho con chip M1 để nó không tiêu hao nhiều điện năng khi MacBook ở chế độ nghỉ.


Hơn 1 tiếng di chuyển từ công ty về nhà (cũng là khoảng thời gian mà MacBook Air M1 ở chế độ Sleep) thì pin của máy vẫn giữ nguyên mức 28%.
Khoảng thời gian tối thì mình không dùng máy nhiều, nếu có thì chỉ là xem video YouTube để giải trí hoặc lướt web đọc tin tức mà thôi. Do đó mà trước khi mình đi ngủ (lúc này là 22 giờ 38 phút tối), MacBook Air M1 của mình còn 17% pin.


Trước khi đi ngủ (22 giờ 38 phút tối) thì MacBook Air M1 của mình còn lại 17% pin.
Như vậy, sau những gì mình đã thực hiện ở trên với MacBook Air M1 thì mình tin chiếc laptop này có thể đáp ứng rất tốt cho nhu cầu văn phòng cơ bản. Nếu như các bạn có chỉnh sửa ảnh, dựng video hoặc dùng máy để xuất hình ảnh ra màn hình ngoài thì thiết bị sẽ bị tiêu hao điện năng nhiều hơn. Nhìn chung, thời gian làm việc 1 ngày thường là 8 tiếng và MacBook Air M1 với 100% pin sẽ dư sức bên bạn cả ngày luôn.

Thiết kế MacBook Air M1 vẫn rất hợp thời, sang trọng
Tính đến thời điểm hiện tại là gần 3 năm kể từ khi MacBook Air M1 ra mắt chính thức nhưng thiết kế của chiếc laptop này vẫn khiến nhiều người mê. Ngoại hình của MacBook Air M1 nhìn chung không khác biệt quá nhiều so với những thế hệ MacBook Air trước đó chạy chip Intel. Thiết bị vẫn sở hữu một thiết kế mỏng nhẹ bao bọc bằng khung kim loại chắc chắn với khối lượng là 1.27 kg cùng ‘số đo ba vòng’ là 30.48 x 21.34 x 1.52 cm.


Thiết kế của MacBook Air M1 vẫn chưa hề lỗi thời dù sản phẩm đã gần 3 năm tuổi.
Tuy hiện nay MacBook Air M1 không còn là chiếc laptop mỏng nhẹ nhất trên thị trường nhưng cá nhân mình vẫn đánh giá cao tính di động của sản phẩm này. Mình vẫn có thể dễ dàng bỏ máy trong balo và mang theo làm việc cả ngày ở nhiều nơi mà không hề cảm thấy khó chịu.


Mình đánh giá cao tính linh động của MacBook Air M1.
Độ hoàn thiện của Apple khi làm MacBook thì mình không phải bàn cãi nhiều và MacBook Air M1 cũng không ngoại lệ. Tất cả các chi tiết đều được Apple hoàn thiện cực kì tỉ mỉ, không có một đường hở hay một chi tiết thừa nào cả, mọi thứ ăn khớp với nhau cách hoàn hảo.


Mức độ hoàn thiện của MacBook Air M1 phải nói là đỉnh của đỉnh luôn các bạn ạ!

Mọi chi tiết, đường cắt đều được Apple hoàn thiện tỉ mỉ và không có một chi tiết thừa.
Một trong những điểm mình thích ở ngoại hình của MacBook Air đó là Apple thiết kế chiếu nghỉ tay cực kì thông minh. Cụ thể, hãng đã vát mỏng phần này về phía TrackPad nhằm mang đến cảm giác gõ phím thoải mái với bàn tay mình hơn. Đây là điều mà những thế hệ MacBook Pro sau này hay thậm chí là MacBook Air M2 đã không còn nữa.


Khu vực chiếu nghỉ tay của MacBook Air M1 được thiết kế rất thông minh, tạo cho mình cảm giác gõ phím thoải mái.
Ngoài ra, phần bản lề của MacBook Air M1 cực kì chắc chắn, bền bỉ và mình có thể mở máy bằng một tay rất dễ dàng. Dù qua thời gian sử dụng thì phần bản lề này có vẻ đỡ cứng hơn so với thời gian đầu nhưng nó vẫn giữ độ chắc chắn, lực phân bổ khi mở rất đồng đều và có thể giữ máy ở những góc cực kì thấp.


Bản lề của MacBook Air M1 có độ hoàn thiện rất tốt, bền bỉ và chắc chắn.
TrackPad của MacBook Air M1 nói riêng và hầu hết các mẫu MacBook nói chung luôn cho trải nghiệm tốt đến mức khó có laptop nào sánh bằng. Mình thấy điều đó rất đúng khi được trực tiếp sử dụng, các thao tác kéo thả rất mượt mà và chính xác. Bên cạnh đó, TrackPad của MacBook Air M1 với kích thước lớn cũng khiến cho thao tác sử dụng của mình rất sướng.


Trải nghiệm TrackPad trên MacBook Air M1 thì tuyệt vời khỏi phải bàn luôn nha các bạn!
Tuy mình là một người sử dụng phím cơ nhưng bàn phím của MacBook Air M1 vẫn làm mình khá hài lòng với trải nghiệm gõ. Thậm chí trong một số trường hợp thì mình chỉ sử dụng mỗi bàn phím của MacBook và không cầm theo phím cơ đi kèm nữa.


Đây là hệ thống bàn phím của MacBook Air M1.

Bàn phím của chiếc laptop này có độ nảy tốt, phím bấm êm.
Dù vậy thì mình nghĩ chúng ta vẫn nên sắm thêm một bàn phím rời bởi vì phím laptop khi bấm nhiều chắc chắn sẽ không còn độ nảy như ban đầu. Hơn nữa thì hiện tượng phím bị bóng (do mồ hôi) cũng xảy ra làm mất đi vẻ đẹp của máy.


Trải nghiệm gõ phím trên MacBook Air M1 cũng đã lắm đó nha các bạn!
MacBook Air M1 cũng hỗ trợ mở khóa bằng TouchID và mình thấy tốc độ nhận diện của cảm biến vân tay này rất nhanh chóng, độ chính xác cao. Một điểm hay nữa ở cơ chế bảo mật của MacBook Air M1 là mình có thể mở khóa máy thông qua Apple Watch rất tiện lợi. Đây có lẽ là điều mà chỉ hệ sinh thái các sản phẩm Apple mới làm được.


MacBook Air M1 có hỗ trợ mở khóa bằng cảm biến vân tay TouchID.

Hoặc mình cũng có thể sử dụng Apple Watch để mở khóa cho chiếc MacBook Air M1 của mình.
MacBook Air M1 màn hình 2K+ cho trải nghiệm hiển thị sắc nét
MacBook Air M1 2020 sở hữu màn hình kích thước 13.3 inch, tấm nền Retina cùng độ phân giải 2K+ (2.560 x 1.600 pixel). Tính đến thời điểm hiện tại thì những thông số màn hình này vẫn rất tốt, đủ để mang lại cho máy khả năng hiển thị sắc nét với độ chi tiết tốt cùng màu sắc trung thực. MacBook Air M1 2020 cũng đạt độ sáng màn hình là 365 nit nên mình có thể tự tin dùng máy trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau.


Chất lượng hiển thị của màn hình MacBook Air M1 rất tuyệt vời.
Tuy nhiên, mình nghĩ rằng kích thước 13.3 inch của MacBook Air M1 hơi nhỏ để mình có thể thực hiện các tác vụ đa nhiệm. Mình luôn xem máy tính xách tay là máy làm việc chính nên mình rất thích những sản phẩm có màn hình kích thước lớn. Dù vậy thì điều này cũng không quá ảnh hưởng đến mình bởi vì mình luôn sử dụng MacBook Air M1 kèm với màn hình ngoài.


Màn hình 13.3 inch của MacBook Air M1 là hơi bé để mình có thể sử dụng đa nhiệm nhiều ứng dụng/tác vụ cùng một lúc.
Một điểm hay nữa ở MacBook Air M1 đó chính là mình có thể sử dụng iPad để mở rộng không gian làm việc. Cụ thể, tính năng này có tên Sidecar và nó sẽ giúp mình kết nối với iPad (miễn là cùng Wi-Fi và có bật Bluetooth).


Mình có thể sử dụng tính năng Sidecar (tích hợp sẵn trong MacBook Air M1) để mở rộng không gian làm việc.
Nhìn chung, về chất lượng hiển thị của MacBook Air M1 thì mình không có điểm gì để chê. Một điểm cộng nữa ở sản phẩm này mà mình muốn đề cập chính là loa ngoài. Hệ thống loa của MacBook Air M1 mang đến trải nghiệm âm thanh tốt và thậm chí là nhỉnh hơn so với nhiều đối thủ trong cùng phân khúc. Mỗi khi xem phim hay chơi game trên MacBook Air M1 mà mình quên mang theo tai nghe thì loa ngoài của máy là một giải pháp thay thế rất hữu dụng.

MacBook Air M1 giá bao nhiêu? Có nên mua MacBook Air M1 ở hiện tại?

MacBook Air M1 là một sản phẩm rất hài hoà, sẵn sàng đáp ứng bất kỳ nhu cầu nào của người dùng.
Hiệu năng của máy mượt mà với mọi tác vụ, pin dùng cực lâu, tản nhiệt tốt và đặc biệt là thiết kế vẫn hợp thời. Tất cả tổng hợp lại tạo nên sự hài hoà của MacBook Air M1, khiến thiết bị trở nên thân thiện với đa số người dung cơ bản.


Nếu bạn đang cần mua một chiếc laptop dùng tốt trong vòng 3 - 4 năm nữa thì MacBook Air M1 sẽ là sự lựa chọn phù hợp.
Vậy các bạn nghĩ thế nào về MacBook Air M1? Hãy để lại bình luận bên dưới cho mình và mọi người cùng biết nha! Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết của mình.
 
Bên trên