Giám đốc Apple tiết lộ những nỗ lực biến Mac thành một nền tảng gaming nghiêm túc

0707171758

NGUYỄN THANH VÂN
Giám đốc Apple tiết lộ những nỗ lực biến Mac thành một nền tảng gaming nghiêm túc


Bài phỏng vấn do Raymond Wong của trang Inverse thực hiện, nơi những chia sẻ của những vị giám đốc cấp cao tại Apple như Gordon Keppel và Leland Martin đã được đưa ra. Những công nghệ từ phần cứng đến phần mềm đang được Apple ứng dụng để biến những chiếc máy tính Mac trở thành những cỗ máy chơi game phục vụ nhu cầu giải trí của đông đảo người dùng, xóa bỏ lối mòn suy nghĩ rằng Mac không chơi được game.

Ngày 21/7/1999, Steve Jobs đứng trên sân khấu trong hội trường chật kín người của sự kiện Macworld Expo New York, công bố một trò chơi. Trò chơi này về sau đã trở thành một series thay đổi hoàn toàn cả ngành game, và khi ấy, Jobs kỳ vọng rằng nó sẽ biến Apple trở thành một gã khổng lồ trong ngành giải trí tương tác.

Chỉ có một trong hai kỳ vọng đó trở thành sự thật. Tác phẩm game bắn súng góc nhìn thứ nhất mà Steve Jobs công bố tại Macworld năm ấy đúng là đã thay đổi hoàn toàn thị trường game nói chung và những tác phẩm game FPS nói riêng. Nhưng với Apple, họ chẳng có được bất kỳ thành công nào từ trò chơi ấy cả. Thay vào đó, Microsoft đã mua lại hãng game phát triển tác phẩm bắn súng ấy vào năm 2000, rồi phát hành trò chơi trên cỗ máy Xbox thế hệ đầu tiên vào năm 2001:



Đó chính là Halo: Combat Evolved. Nhà phát triển tác phẩm ấy giờ đã quá nổi tiếng, Bungie. Điều ít người biết đến, Bungie ban đầu là một trong số những đơn vị tiên phong trong việc phát triển game trên hệ điều hành Macintosh.

Mọi thứ diễn ra sau đó giờ được coi là một trang sử ngành game.

Nếu như có một thế giới song song, một thực tại khác, Apple không để mất Halo vào tay Microsoft, Xbox không trở thành một thương hiệu toàn cầu gắn liền với game như bây giờ vì không có kiệt tác với nhân vật chính là Master Chief, và Mac mới là nền tảng chơi game lớn nhất không phải máy console, thay vì PC.

Người ta cứ nói máy tính Mac không cần dùng chơi game, nhưng cũng không phủ nhận được một vấn đề, hơn 2 thập kỷ vừa rồi không tấn công được vào thị trường game máy tính cũng là thứ khiến những vị giám đốc ở Apple cảm thấy khó chịu. Với người dùng trung thành với hệ sinh thái macOS, thì khổ nhất là nếu muốn chơi game, chỉ có hai cách, hoặc đi mua máy tính cài Windows hay Linux, hoặc mua máy console.

Nhưng tới năm 2023, tình hình thị trường đã bắt đầu xoay chuyển theo hướng có lợi hơn cho Apple và macOS.

8168933-cover-re.jpg


Với những phần cứng đủ sức mạnh cạnh tranh với những cấu hình PC mạnh nhất trên thị trường, dù là phục vụ công việc chuyên nghiệp hay chơi game, những cải tiến qua từng thế hệ chip Apple Silicon đủ sức cho phép Apple không chỉ chạy đua mà còn về nhất ở nhiều tác vụ. Còn xét riêng tới khả năng chơi game, thì những tối ưu phần mềm phục vụ cho cả những nhà phát triển lẫn người dùng, có một điều rõ ràng Apple không muốn mắc lại sai lầm 25 năm về trước.

Nền tảng đã có, giờ tất cả những gì Apple cần làm là tham gia cạnh tranh trên thị trường game. Nói thì luôn dễ hơn làm, nhưng với một công ty có giá trị vốn hóa 3 nghìn tỷ USD, sẵn sàng đầu tư để đi đường dài, thì cơ hội của Apple là rất lớn.

Gordon Keppel, giám đốc marketing sản phẩm máy tính Mac: “Chúng tôi có những tính năng chỉ có riêng trên máy Mac, không hề có trên những hệ thống khác như màn hình và hệ thống loa. Nhờ đó, khi bạn sở hữu một hệ thống vừa khỏe, màn hình đẹp, âm thanh hay, vận hành không quá nóng, tất cả những điều đó kết hợp lại trở thành một hệ thống chơi game tuyệt vời.”
QUẢNG CÁO





Phần cứng không còn là rào cản

Sẽ cần cả một bài học lịch sử để chúng ta hiểu được cách nhìn của Apple với việc chơi game trên máy tính Mac, và nỗ lực trong thập niên 2020 để tấn công vào thị trường game của Apple khác biệt ra sao so với đầu thập niên 2000. Hãy tua ngược về năm 1984, khi chiếc máy Macintosh đầu tiên ra mắt.

Macintosh khi ấy là hệ thống đầu tiên bán kèm một chú chuột để điều khiển giao diện đồ họa người dùng được coi là mang tính cách mạng khi ấy. Steve Jobs đương nhiên không phải người phát minh ra chú chuột máy tính, mà là Douglas Engelbart. Ngay cả bản thân ý tưởng giao diện đồ họa cũng là do những nhà nghiên cứu tại Xerox nghĩ ra. Nhưng Macintosh là cỗ máy đưa cả hai thứ đó đến với đại chúng. Dần dần giao diện người dùng và chuột điều khiển con trỏ đã trở thành thứ không thể tách rời với máy tính cá nhân, và sau này là chơi game.

Thời điểm năm 1984, trò chơi điện tử cũng không phải thứ mới mẻ. Tuy nhiên chú chuột điều khiển máy tính đã tạo ra giải pháp điều khiển game tự do hơn. Ban đầu, muốn chơi game, phải trỏ và nhấn. Nhưng dần dần những game bắn súng góc nhìn thứ nhất bắt đầu cho người chơi thay đổi góc nhìn 3D dựa vào việc di chuột.

maxresdefault.jpg


Nếu không có Macintosh và chú chuột đi kèm cỗ máy này, game máy tính nói chung và những game bắn súng góc nhìn thứ nhất chưa chắc đã phát triển được như bây giờ. Bungie khi ấy sẽ không tạo ra Marathon, trò chơi FPS đầu tiên điều khiển góc nhìn bằng chuột, và đương nhiên sẽ không có cả Halo, thương hiệu đã khiến Microsoft kích hoạt được cả thương hiệu Xbox đầy thành công.

Thành ra, game PC, nhất là những tác phẩm điều khiển bằng chuột bàn phím, luôn luôn có mối quan hệ mật thiết tới Mac. Thực tế đáng buồn là, dù game PC hiện đại có được ngày hôm nay nhờ những đột phá của Macintosh, nhưng tới cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, các nhà phát triển game bị giới hạn rất nhiều vì cấu hình máy Mac.

Những cỗ máy của Apple cơ bản là không chịu được những cải tiến và những yêu cầu về sức mạnh xử lý đồ họa mà các nhà phát triển game mong muốn, khi họ tạo ra những tác phẩm đồ họa 3D đẹp mắt ở thời bấy giờ. Lựa chọn hợp lý hơn là làm game cho CPU Intel, với hiệu năng năm sau luôn mạnh hơn năm trước, thay vì những CPU IBM và Motorola PowerPC trên máy Mac.

Tương tự như vậy là chip tăng tốc xử lý đồ họa. PC luôn được hỗ trợ bởi những chip 3D hay sau này là GPU của ATI và Nvidia. Tốc độ phát triển về khả năng xử lý số thực dấu phẩy động để render từng khung hình game dưới dạng 3D của những chip tăng tốc ở những năm đầu thập niên 2000 luôn nhanh hơn so với tốc độ cải thiện hiệu năng của máy Mac.

ccda250d-c7b9-4f88-a703-3783ba603252-getty-1668659705.webp


Từ thập niên 1990 đến năm 2020, có thể mô tả việc chơi game trên máy tính Mac của Apple, trước khi kiến trúc chip Apple Silicon ra mắt: Apple quyết định chơi cuộc đua hiệu năng với PC, cuộc đua họ không thể thắng. Khi Apple chuyển giao kiến trúc chip xử lý từ PowerPC sang Intel vào năm 2005, người dùng Mac, những người cũng mê chơi điện tử đã kỳ vọng rằng mọi chuyện sẽ khác. Nhưng rốt cuộc game 3D hiện đại lúc nào cũng cần chip tăng tốc xử lý đồ họa, còn cách macOS hỗ trợ GPU của các hãng như Nvidia hay ATI, sau này AMD mua lại, chỉ có thể được mô tả bằng một từ, hời hợt.

Tua nhanh tới năm 2023, Apple đang dành sự quan tâm rất lớn tới game, thứ mà 25 năm qua hiếm khi thấy họ nghiêm túc. Keppel cho biết: “Apple Silicon đã thay đổi tất cả. Giờ mọi cỗ máy Mac đều có những con chip do Apple tạo ra, đủ sức mạnh chơi game AAA khá tuyệt. Apple Silicon là thứ thay đổi hoàn toàn những hệ thống nhắm tới thị trường tiêu dùng, với hiệu năng đồ họa được cải thiện đáng kể nhờ M1, M2, và giờ là M3.”

Vẫn biết là giám đốc marketing nói chuyện sẽ có phần quảng cáo, nhưng sự thật là chơi game trên vài cấu hình máy tính Apple đúng là ấn tượng thật, khi vài tác phẩm mới nhất trên thị trường đã có mặt trên nền tảng này. Theo Keppel, chỉ trong 3 năm, 3 thế hệ chip máy tính để bàn, Apple đã tạo ra một nền tảng với “hàng chục triệu thiết bị Mac với chip Apple Silicon.” Đó là nền tảng với hàng chục triệu người dùng, hàng chục triệu thiết bị đủ sức phục vụ nhu cầu game của số đông.

8168959-vlcsnap-2023-10-30-18h31m12s021.jpg


Những cải tiến hiệu năng GPU trên chip của Apple thực sự ấn tượng. Dù chưa có nhiều game hỗ trợ, nhưng GPU của thế hệ chip M3 đã có khả năng xử lý ray tracing thời gian thực trên phần cứng, và hỗ trợ mesh shading để tối ưu hiệu năng xử lý đa giác trong mỗi màn chơi. Vài năm trước, có lẽ không ai dám nghĩ rằng Apple sẽ tính toán cả những giải pháp chỉ dành cho việc chơi game trên phần cứng của họ.

Leland Martin, giám đốc marketing phần mềm của Apple cho rằng, “điều kỳ diệu” không chỉ nằm ở hiệu năng. Trước kia khi các nhà phát triển game rời bỏ Macintosh, lý do là vì Apple không hỗ trợ nhiều phần cứng phục vụ mục đích chơi game. Còn bây giờ, với cả một nền tảng chung cho toàn bộ mọi sản phẩm điện toán, việc phát triển game trên macOS không chỉ dễ hơn, mà còn dễ dàng port sang những nền tảng thiết bị khác như iPhone và iPad.

Martin cho biết: “Chỉ vài năm trước nếu bạn nhìn vào dàn sản phẩm Mac, sẽ có những lựa chọn có card đồ họa rời, nhưng cũng có lựa chọn chỉ có GPU tích hợp. Điều đó có thể gây ra sự phức tạp không đáng có khi phát triển game, vì các lập trình viên có quá nhiều lựa chọn phần cứng khác biệt để cân nhắc tối ưu game. Còn bây giờ với Apple Silicon, chúng tôi đã loại bỏ được những sai khác ấy, tạo ra một nền tảng gaming đồng nhất trên mọi thiết bị iPhone, iPad và Mac. Một trò chơi được phát triển trên một nền tảng, quy trình đem sang hai nền tảng còn lại sẽ rất đơn giản. Lấy ví dụ Resident Evil Village ra mắt trên Mac trước, sau đó là iPhone và iPad.”

6191026-Tinhte-RE1.webp


Nền tảng đồng nhất này tương đối giống những chiếc máy console mà bạn có thể sở hữu, như PlayStation 5 hay Xbox Series X/S. Cùng một kiến trúc chip, có thể đảm bảo mọi chiếc máy Mac cùng thế hệ chip sẽ chạy được một số game ở thiết lập tối ưu, chứ không phải tính toán cấu hình máy tính liệu có đủ hay không như bên PC.

Doug Brooks, thuộc nhóm marketing sản phẩm Mac cho biết: “Chơi game là một phần cơ bản khi thiết kế kiến trúc chip Apple Silicon. Trước cả khi con chip ra đời, quá trình lên kế hoạch thiết kế đã có những ý tưởng về những tính năng phục vụ riêng cho nhu cầu chơi game trên chip xử lý. Tôi nghĩ rằng, về tổng thể, khi thiết kế những con chip, chúng tôi luôn tìm cách để tạo ra những hệ thống máy tính cân bằng giữa hiệu năng CPU, GPU và tốc độ của bộ nhớ, vì thế chip xử lý được thiết kế để phục vụ mục tiêu ấy. Đương nhiên chơi game cần tới sức mạnh của GPU, nhưng không thể bỏ quên những khía cạnh còn lại được. Nếu bạn nhìn vào những con chip trang bị trên những máy console mới nhất hiện nay, kiến trúc không quá khác biệt, khi CPU, GPU và bộ nhớ liên kết liền mạch với nhau.”

Biến macOS thân thiện hơn với game

Ở thời điểm thế hệ chip M3 được giới thiệu tại sự kiện Scary Fast hồi tháng 10 năm ngoái, những tính năng phục vụ xử lý game được Apple nhắc tới rất nhiều trong những con chip thế hệ mới dành cho máy tính Mac là khả năng xử lý ray tracing và khả năng xử lý song song, gộp từng nhóm đa giác để tăng tốc xử lý đồ họa, gọi là mesh shader. Tuy nhiên có một tính năng rất quan trọng mà không mấy ai nhắc tới, thứ giúp cho những con chip M3 hay sau này có được hiệu năng chơi game xuất sắc, đó là Dynamic Caching.

Về cơ bản, Dynamic Caching là một giải pháp hoán đổi thông minh bộ nhớ, để CPU và GPU luôn có được dung lượng Unified Memory chính xác, phục vụ nhu cầu tiếp nhận dữ liệu từ ổ cứng để xử lý: “Với Dynamic Caching, chúng tôi có thể tùy chỉnh CPU và GPU được tiếp cận với bao nhiêu GB bộ nhớ, điều chỉnh liên tục theo từng nhu cầu và từng thời điểm. Nhờ đó hiệu năng của CPU và GPU sẽ được đảm bảo. Nói ngắn gọn thì với người dùng, điều đó đồng nghĩa với việc chơi game với tốc độ khung hình cao hơn.”

Ở trung tâm của kỹ thuật xử lý Dynamic Caching là bộ nhớ Unified Memory. Bộ nhớ RAM cho cả CPU và GPU dùng chung không mới, từ M1 đã có rồi, mà RAM dùng chung cho cả hai chip CPU và GPU thì từ máy tính tới console đều đã phổ biến từ rất lâu. Nhưng với Apple, Unified Memory là mấu chốt để máy Mac chơi được game: “Khả năng cho phép CPU và GPU cùng lúc làm việc mà dữ liệu không bị nhân đôi phục vụ từng phần cứng, không tạo ra độ trễ trong quá trình xử lý là một tính năng rất quan trọng. Điều đó tạo ra khác biệt giữa chơi game trên Mac và chơi game trên PC."

Phần cứng của Mac không chỉ là khía cạnh duy nhất được quan tâm khi phát triển những nền tảng máy tính chạy macOS đủ sức chơi game.

6191039-MetalFX.webp


Hai chi tiết quan trọng nhất để lôi kéo cả người dùng lẫn các lập trình viên chọn macOS làm nền tảng phát triển game cũng đã được Apple công bố tại WWDC. Thứ nhất là bộ công cụ Game Porting Toolkit, một lớp chuyển đổi code cho phép các nhà phát triển game đem tác phẩm đã làm ra trên nền tảng Windows của họ sang macOS nhanh và dễ dàng. Đương nhiên quá trình chuyển đổi này vẫn phụ thuộc vào việc tối ưu API đồ họa, từ DirectX hoặc Vulkan sang Metal trên macOS, nhưng nhờ Game Porting Toolkit, quy trình sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức làm việc.

Leland Martin nói: “Chúng tôi rõ ràng nhận ra sự quan tâm của các nhà phát triển và phát hành game như Kojima Productions (Death Stranding dự kiến ra mắt đầu năm 2024) và Annapurna Interactive (Stray) khi tận dụng sức mạnh của Game Porting Toolkit. Khi tải bộ công cụ này về, sẽ có hai phần. Thứ nhất là môi trường giả lập, chỉ cần tải bản game cho Windows là phần mềm sẽ cho phép vận hành ngay trên nền tảng phần mềm Mac. Lớp thứ hai là bộ chuyển đổi shader từ API đồ họa trên Windows sang Metal, tự động đổi hàng chục nghìn dòng code shader xử lý môi trường game thay vì bắt các lập trình viên gõ tay. Và họ đã dành tặng những lời khen ngợi với sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian phát triển.”

ef0236cf-5fcf-4bac-80f3-5381fe3e7d03-dsc08363.webp


Game Porting Toolkit thực sự không chỉ để phát triển bản macOS cho những game cũ: “Một ví dụ là Bloober Team. Họ đã sử dụng bộ công cụ này để đem The Medium và Layers of Fear lên macOS. Đó là những trò chơi mới.”

Đó là công cụ tiện ích cho những nhà phát triển game. Còn đối với phần đông người dùng chúng ta, thứ được nhắc tới nhiều hơn sẽ là Game Mode, thứ mới được giới thiệu trong phiên bản macOS mới nhất, Sonoma. Với Game Mode, hiệu năng của CPU và GPU sẽ tự động được tối ưu, tận dụng sức mạnh chip Apple Silicon để chơi game. Cùng lúc, với Game Mode, tần suất nhận tín hiệu từ thiết bị Bluetooth, để giảm độ trễ khi điều khiển nhân vật bằng chuột hay tay cầm không dây, hoặc tín hiệu gửi về tai nghe khi anh em chơi game.

0319ffe3-211b-4516-af8d-a8343bc644df-dsc08367.webp


Tuy nhiên, thứ mà những vị giám đốc marketing dè dặt hơn khi Inverse đặt câu hỏi, là cách phân phối game trên nền tảng macOS, cụ thể hơn là App Store. Không giống như App Store của iOS, phân phối ứng dụng và game trên App Store của Mac gặp nhiều rắc rối hơn nhiều.

Đương nhiên vẫn cần phải có game chứ phần cứng là không đủ

Hãy thẳng thắn với nhau. Tất cả những công nghệ và đột phá được liệt kê ở trên đều sẽ chẳng có giá trị trong mắt người dùng chúng ta, nếu như macOS không có ai phát triển game. Cứ nền tảng nào nhiều game hay, nhiều tác phẩm anh em yêu mến thì anh em sẽ chọn nền tảng đó để giải trí.

Apple, như mọi lần, kỳ vọng rằng về lâu về dài, thư viện game trên Mac sẽ dày lên. Phần cứng đã đủ mạnh, và cả người dùng lẫn các nhà phát triển đều có những công cụ giúp game vận hành hoàn hảo trên nền tảng Apple Silicon. Nhắc lại mục tiêu của Apple, đó là khi độ phủ của những chiếc máy Mac trang bị chip Apple Silicon đủ lớn, các hãng game sẽ không thể lờ đi nền tảng này. Thậm chí cùng kiến trúc, iPad Pro và iPhone Pro cũng sẽ là những thiết bị chơi được game khủng.

4c1a930d-4d19-4f1a-b410-cc2229762457-dsc08365.webp


Đương nhiên chưa thể đưa ra kết luận, liệu rằng chiến lược của Apple có đem lại kết quả như họ kỳ vọng hay không. Một yếu tố thu hút người chơi chính là việc game phát hành trước trên một nền tảng. Lies of P của Neowiz Games được phát hành đồng thời với Windows và console. Baldur's Gate 3, tác phẩm game hay nhất 2023 chỉ phát hành trên macOS chậm hơn có hai tháng sau Windows, hai tuần sau khi phiên bản PS5 ra mắt.

Game phát hành trên macOS không quá chậm, hay thậm chí cùng thời điểm với những nền tảng khác sẽ là một yếu tố quyết định thành công cho việc biến macOS trở thành nền tảng chơi game hợp lý và đáng sở hữu. Đấy là về mặt chất lượng. Còn về mặt số lượng, khá chắc Apple sẽ cần phải có những thỏa thuận với các hãng game lớn, thay vì chỉ có Capcom, Kojima Productions hay vài hãng game khác như hiện giờ.

bdb051bf-ef7b-42f3-87bf-bf3b8077243f-dsc08351-2.webp


Có thể nghĩ ra một tác phẩm đủ sức hút để biến macOS trở thành nền tảng chơi game hoàn toàn nghiêm túc: Grand Theft Auto VI. Thông thường những game của Rockstar Games luôn phát hành bản PC sau console từ một năm rưỡi đến 2 năm. Nếu GTA VI ra mắt năm 2027 trên PC, mà không có phiên bản trên macOS, khi ấy đã có những kiến trúc chip như M5 hay thậm chí M6, thì Apple sẽ bỏ lỡ một cơ hội rất lớn để chiếm lĩnh thị trường game, thị trường với giá trị ước tính gần 400 tỷ USD vào năm 2028.
 
Bên trên