Lạc bước giữa buôn làng Ê Đê ở phố núi Tây Nguyên

Hồ Thị Thanh Trà

Well-known member
Buôn Akô Dhông là một trong những buôn “nhà giàu” ở Tây Nguyên, với hàng chục ngôi nhà dài như bảo tàng sống của Buôn Ma Thuột.
Lạc bước giữa buôn làng Ê Đê ở phố núi Tây Nguyên
Nhà dài đặc trưng của người Ê Đê - Tây Nguyên. Ảnh: Ngọc Trang
Tọa lạc ngay trung tâm phường Buôn Ma Thuột, buôn Akô Dhông vẫn giữ được dáng hình nguyên sơ của một buôn làng Tây Nguyên truyền thống. Đây không chỉ là nơi sinh sống của đồng bào Ê Đê mà còn là không gian lưu giữ những nét văn hóa bản địa quý giá, từ nhà dài truyền thống, âm vang cồng chiêng đến nghề dệt thổ cẩm và làm rượu cần.
Vẻ đẹp của buôn làng Ê Đê
Trong tiếng Ê Đê, “Akô” nghĩa là “đầu nguồn”, còn “Dhông” là “thung lũng”. Cái tên này bắt nguồn từ việc nơi đây là nơi khởi nguồn của nhiều dòng suối như Ea Ding, Ea Pủi, Ea Dung... đặc biệt có cả suối Ea Nuôl - dòng suối lớn nhất chảy qua khu vực Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, tên gọi Akô Dhông còn được hiểu theo nghĩa ẩn dụ, chỉ một buôn làng sung túc, giàu đẹp, nơi có nhiều ngôi nhà ngói khang trang.
Với diện tích hơn 62ha, buôn Akô Dhông hiện có khoảng gần 250 hộ dân sinh sống, trong đó cộng đồng người Ê Đê chiếm tỉ lệ đáng kể. Điểm đặc biệt là nơi đây vẫn bảo tồn được 32 ngôi nhà dài - biểu tượng văn hóa thiêng liêng của người Ê Đê. Không chỉ là mái ấm gia đình, nhà dài còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, nơi tổ chức các nghi lễ cộng đồng, truyền lại phong tục, tập quán của dân tộc.
Dọc các con đường trong buôn, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cổng nhà khắc họa sinh động đời sống thường ngày của người dân: Điệu múa, lễ hội, lao động sản xuất... Tất cả như một bảo tàng sống giữa không gian mở, đưa người xem về gần hơn với đời sống bản địa.
Dừng chân ở bất kỳ ngôi nhà nào trong buôn, du khách sẽ ấn tượng với không gian xanh mát, gần gũi với thiên nhiên. Cây cối được trồng phủ kín quanh nhà, như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Dừng lại nghỉ chân ở khoảng sân nhỏ rợp bóng mát hay ngôi nhà dài phảng phất hương gỗ, nhâm nhi ly cà phê Ban Mê thơm lừng hay cốc sinh tố bơ sánh đặc, du khách sẽ được thả hồn vào không gian yên tĩnh, mát lành, khác hẳn với cuộc sống xô bồ, phồn hoa nơi đô thị.
Người dân Ê Đê vẫn giữ nguyên chế độ mẫu hệ (phụ nữ làm chủ gia đình). Mỗi lần khi gia đình có con gái gả chồng, ngôi nhà sẽ lại được nới thêm về chiều dài, từ đó sinh ra tên gọi nhà dài. Tại các ngôi nhà dài ở buôn Akô Dhông đều có bức gỗ dựng trước lối lên xuống, với điêu khắc độc đáo dựa theo hình dáng của một người phụ nữ. Đó là biểu trưng cho chế độ mẫu hệ của dân tộc Ê Đê nơi đây.
Cổng nhà, vật dụng trang trí được chạm khắc sinh động bởi bàn tay của chính người dân tộc Ê Đê. Ảnh: Ngọc Trang
Cổng nhà, vật dụng trang trí được chạm khắc sinh động bởi bàn tay của chính người dân tộc Ê Đê. Ảnh: Ngọc Trang
Phát triển du lịch cộng đồng
Bên cạnh gìn giữ kiến trúc truyền thống, những năm gần đây, người dân Akô Dhông còn nỗ lực phát triển kinh tế từ chính những giá trị văn hóa sẵn có. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh doanh du lịch gắn với văn hóa Ê Đê, vừa tạo sinh kế, vừa góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến với du khách.
Với hơn 90% nhân lực là người Ê Đê bản địa, nơi đây mang đến cho du khách cơ hội tìm hiểu sâu sắc về đời sống, phong tục và văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm ngủ trong nhà dài đặc trưng, thưởng thức những món ăn mang hương vị núi rừng, diện trang phục thổ cẩm truyền thống và đắm mình trong không gian văn hóa đậm chất Tây Nguyên.
Nhờ những nỗ lực gìn giữ bản sắc và phát huy tiềm năng du lịch, đầu năm 2023, buôn Akô Dhông đã được công nhận là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk. Đây là dấu mốc quan trọng mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế - văn hóa bền vững tại địa phương.
Anh Y Nguyệt Niê (sinh năm 1992) là người dân tộc Ê Đê sinh ra và lớn lên tại buôn Akô Dhông. Trước năm 2023, vợ chồng anh chỉ có một sạp rau nhỏ trên đường Trịnh Công Sơn, bán vài món ăn dân tộc như đu đủ giã, lá mì xào...
Anh Y Nguyệt Niê chia sẻ: “Sau khi du lịch cộng đồng phát triển, buôn làng vắng vẻ trở nên đông khách. Chúng tôi quyết định mở quán ăn khang trang tên gọi Nê La, với thực đơn hơn 30 món gồm toàn đặc sản của người Ê Đê như canh cà đắng nấu vách bò, cá suối nướng muối é, cơm lam, thịt heo rừng xào sả ớt... với cách chế biến truyền thống mang đậm hương vị Tây Nguyên”
 
Bên trên