Sau 1 năm, HyperWork Silentium vẫn là chuột văn phòng “quốc dân”

Thanh Thúy

Well-known member
Đầu năm 2023, HyperWork đã giới thiệu mẫu chuột không dây đầu tiên mang tên Silentium. Sản phẩm nhanh chóng nhận về sức hút lớn, thậm chí đã có thời điểm “cháy hàng” trên website của hãng. Sau một năm ra mắt, đây vẫn là mẫu chuột văn phòng rất đáng mua trong tầm giá 500.000 đồng với loạt ưu điểm đến từ thiết kế, cảm giác cầm nắm cho đến khả năng sử dụng.

Thông số trên chuột HyperWork Silentium
Tên sản phẩmChuột văn phòng HyperWork Silentium
Thiết kếKích thước: 107.5mm x 69.5mm x 41.5mm
Thiết kế công thái học
Các chế độ kết nốiBluetooth 5.1
USB-A
USB-C
DPI800 – 1.200 – 1.600 – 2.400
Thời lượng pin300mAh
Dùng tối đa 5 tháng
Có thể sạc qua cổng USB-C
Các màu sắcĐen – Trắng
Thiết kế chuẩn “công thái học”
Thoạt nhìn, nhiều người sẽ cảm thấy không thoải mái với thiết kế “bất đối xứng” trên HyperWork Silentium. Nút chuột trái được đặt cao hơn khá nhiều so với nút phải, cùng với đó diện tích tiếp xúc cũng lớn hơn.


Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, mình nhận ra đây là một cách thiết kế rất hay. Hầu hết mọi người đều sử dụng ngón tay trỏ để điều khiển nút chuột trái. Việc nhô cao khu vực này giúp tạo thêm điểm tựa, giảm áp lực lên ngón trỏ, từ đó hạn chế tình trạng nhức, mỏi khi dùng trong thời gian dài.


Thêm vào đó, chất liệu cao su cấu thành nên HyperWork Silentium rất êm và mịn. Đây là điểm cộng rất lớn vì trong phần lớn thời gian sử dụng, người dùng đều ôm trọn bàn tay vào thân chuột.

Sau khoảng 2 tuần sử dụng, tổng thể ngoại hình HyperWork Silentium vẫn gần như mới, hầu như không có vết trầy xước nào đáng kể. Điều này giúp người dùng yên tâm hơn trong quá trình sử dụng. Bản thân mình cũng đã từng dùng một mẫu chuột công thái học Logitech M590. Mặc dù có cảm giác cầm nắm rất thoải mái, thế nhưng sau một thời gian sử dụng, lớp cao su trên sản phẩm này đã bị bong tróc khá nhiều.

Ngoại hình trên HyperWork Silentium (trái) và Logitech M590 (phải, đã qua sử dụng)
HyperWork Silentium có hai tuỳ chọn màu sắc gồm Matte Black (Đen Cam) và Milky White (Trắng Cam).

Khả năng sử dụng
Trước hết, điểm cộng của HyperWork Silentium đến từ khả năng hỗ trợ tới 3 chế độ khác nhau: Dongle USB-A, Dongle USB-C và Bluetooth. Hầu hết đối thủ khác trong phân khúc hiện vẫn chỉ cung cấp hai kết nối: USB-A và Bluetooth.


Với Dongle USB-C, mình có thể kết nối HyperWork Silentium vào MacBook mà không cần đến đầu chuyển đổi. Thậm chí, chuột còn có thể kết nối và sử dụng cho cả các mẫu điện thoại Android hay iPhone 15 series.


Không những vậy, HyperWork còn đơn giản hoá quá trình chuyển đổi chế độ chuột chỉ với một nút bấm nhỏ nằm bên sườn trái sản phẩm. Khi bấm, đèn báo nằm bên cạnh biểu tượng cổng sạc sẽ phát sáng. Thao tác chuyển đổi chỉ dao động trong khoảng 1 giây và mình thậm chí còn không nhận ra điều đó.

HyperWork Silentium còn được trang bị thêm hai phím chức năng màu cam nằm bên cạnh sườn. Mặc định, các nút này sẽ được gán cho tính năng lùi và tiến trang. Tuy nhiên, người dùng lại không thể gán sang chế độ khác vì bản thân HyperWork Silentium chưa hỗ trợ ứng dụng điều khiển trên máy tính.


Một số ý kiến cho rằng do đặt ở vị trí thấp, họ hay thao tác nhầm phím giữa phím chuyển thao tác và phím lùi trang. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, mình không gặp tình trạng này. Nút chuyển chế độ có kích thước nhỏ hơn khá nhiều, do đó mình có thể nhận dạng chuẩn xác để không thao tác nhầm.

HyperWork Silentium sử dụng switch có dạng “silent”, tuy nhiên không rõ loại nào. Đổi lại, khi click hay lăn chuột, sản phẩm gần như không phát ra tiếng động. Mình cũng đã thử dùng chuột trong phòng họp, mọi người ngồi khá sát nhau nhưng gần như không ai nhận ra tiếng click phát ra từ HyperWork Silentium cả.


Tiếp đến, mắt đọc trên HyperWork Silentium có các thiết lập DPI mặc định là 800, 1.200, 1.600 và 2.400. Chuột sử dụng PTFE, một loại feet phổ biến cho độ trơn nhất định khi sử dụng trên các bề mặt pad chuột.

Trong phần lớn các tác vụ hàng ngày như viết kịch bản, nhắn tin hay lướt Web, mình hiếm khi nhận ra độ trễ trên HyperWork Silentium. Đổi lại, khi chơi game FPS hay thao tác ở khoảng cách xa một chút, độ trễ tăng lên đáng kể. Tất nhiên, đây là điều dễ hiểu vì đối tượng người dùng mà sản phẩm này hướng đến là những người dùng văn phòng, cần một mẫu chuột yên tĩnh, cầm nắm gọn gàng và không chơi game.


Mặt dưới của chuột là vị trí đặt công tắc bật/tắt, cảm biến quang học và nơi đặt receiver. “Mắt đọc” của chuột có các thiết lập DPI lần lượt là 800, 1200 (mặc định), 1600 và 2400. Chuột sử dụng feet PTFE phổ biến cho độ trơn nhất định khi sử dụng trên các bề mặt pad chuột.

Cuối cùng, viên pin 300mAh trên HyperWork Silentium cho thời gian sử dụng tối đa 300 giờ liên tục. Với mình, điều này không quá quan trọng vì phần lớn thời gian mình đều làm việc tại văn phòng, khi hết pin có thể sạc lại bằng cổng USB-C gắn phía mặt trước.

Ai nên mua HyperWork Silentium?
Đúng như tên gọi, HyperWork Silentium hướng đến những ai yêu thích một mẫu chuột thật sự yên tĩnh. Đối tượng người dùng mà sản phẩm này mang đến là:

  • Những người làm việc văn phòng, cần một mẫu chuột yên tĩnh, cầm nắm thoải mái;
  • Những người thường xuyên di chuyển, cần một mẫu chuột nhỏ gọn, dễ đặt trong ba lô, túi xách;
  • Những người không có nhu cầu chơi game.

Với mình, HyperWork Silentium là một mẫu chuột có công năng trên giá thành rất tốt trong tầm giá. Nếu không có điều kiện mua những sản phẩm có giá vài triệu đồng đến từ Logitech hay Corsair, đây là sự lựa chọn mà bạn nên cân nhắc.
 
Bên trên