Sự bấp bênh của Gen Z Mỹ khi tìm việc công nghệ

TRUONGTRINH

Well-known member
MỹKể từ làn sóng sa thải diễn ra năm 2022, nhiều sinh viên công nghệ thuộc thế hệ Z không còn tìm được cho mình việc làm như ý.


Khi bắt đầu học đại học, Ryan Kim đặt ra kế hoạch sau khi tốt nghiệp trở thành một quản lý cơ sở dữ liệu trước khi tạo "đột phá công nghệ tài chính" với vai trò nhà phân tích kinh doanh. Nhưng khi đang theo học năm hai và năm ba, làn sóng sa thải công nghệ với gần nửa triệu người mất việc khiến anh nhận ra bức tranh không còn màu hồng. Thậm chí, Kim phải vật lộn để có được một suất thực tập. Anh sau đó chuyển sang mục tiêu nghề nghiệp mới: dịch vụ công.


Minh họa về Gen Z trong bối cảnh công nghệ phát triển. Ảnh: Amber


Minh họa về Gen Z trong bối cảnh công nghệ phát triển. Ảnh: Amber


Kim nằm trong số những người thuộc Gen Z (sinh năm 1997-2012) thay đổi định hướng công việc công nghệ dù trước đó đặt mục tiêu lớn. Theo website tìm việc làm Handshake, tỷ lệ sinh viên năm cuối tìm các vị trí trong lĩnh vực công nghệ năm ngoái giảm 19% so với 2022, trong khi tỷ lệ việc làm trong chính phủ gần như tăng gấp đôi. Với học sinh trung học, khảo sát trước đây cho thấy Google và Apple là nơi nhóm này muốn làm việc nhất. Nhưng năm ngoái, các cơ quan như FBI hay NASA thu hút sự chú ý của đội ngũ lao động nhiều hơn bất kỳ công ty công nghệ nào.

Kim nhanh chóng xin được suất thực tập hưởng lương một năm tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Thay vì thành chuyên gia công nghệ như mục tiêu ban đầu, anh dự định ở lại cơ quan này sau khi lấy bằng vào tháng 5.

Nhưng một lần nữa, Kim rơi vào trạng thái bấp bênh.

Khi lễ tốt nghiệp đang đến gần, Kim đột ngột mất cơ hội thực tập trong bối cảnh chính phủ "hỗn loạn" vì Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ (DOGE) do Elon Musk lãnh đạo. DOGE đóng băng hoặc hoãn vô thời hạn đa số đợt tuyển dụng.

"Sự căng thẳng rất lớn", Kim nói. "Hầu hết lĩnh vực tư nhân đã tuyển dụng sinh viên của họ trước khi tốt nghiệp".

Hơn 2 triệu sinh viên Gen Z chuẩn bị tốt nghiệp, trong đó có sinh viên ngành công nghệ, đang chuẩn bị tham gia một thị trường việc làm bấp bênh. Thế hệ này được đánh giá gặp khó ngay đầu 2025 do sự sụt giảm tuyển dụng nghiêm trọng trong các ngành công nghiệp như công nghệ, tài chính và tư vấn. Cộng thêm các động thái của DOGE, nhiều sinh viên năm cuối đang trong tình trạng hoảng loạn do các cam kết làm việc trước đó bị hủy hoặc không có phản hồi mới.

"Tác động này có quy mô rộng", Saskia Campbell, Giám đốc điều hành dịch vụ nghề nghiệp tại Đại học George Mason, nói với Business Insider. "Có cảm giác mất cơ hội. Đây là năm đầu tiên tôi thực sự lo lắng".

"Hai năm trước, phần lớn sự bất ổn và sợ hãi nằm ở Big Tech", Briana Randall, Giám đốc trung tâm nghề nghiệp và thực tập tại Đại học Washington, cho biết. "Bây giờ, cảm giác bất ổn lan sang nhiều lĩnh vực hơn".

Một số sinh viên thậm chí chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Trong năm qua, một sinh viên năm cuối đại học kể cô đã "cố tình" bỏ bê việc học để tập trung tìm kiếm việc làm, gửi đi tới 15 đơn xin việc mỗi ngày. Cô nhận được ba lời mời, trong đó có một lời mời từ chính phủ nhưng từ chối vì những bất ổn gần đây.

Trong khi đó, Em, 26 tuổi và tốt nghiệp Học viện Pratt ở lĩnh vực điêu khắc, đã tham gia trung tâm huấn luyện lập trình chuyên sâu kéo dài 9 tháng để nộp đơn xin việc liên quan công nghệ. Sau khi bị từ chối từ khoảng 10 lần, cô tỏ ra chán nản: "Đó chỉ là một con đường khác dẫn đến sự tồi tệ".

"Đây là nhóm trải qua hàng loạt sự kiện trong quá trình trưởng thành: Covid-19, văn hóa Internet đảo lộn, tác động của AI và sự hỗn loạn về chính trị", Business Insider bình luận. "Gen Z nên được coi là thế hệ lo lắng nhất, thế hệ sợ rủi ro nhất, thế hệ căng thẳng nhất, thế hệ kiệt sức nhất và cả thế hệ cô đơn nhất".

Năm ngoái, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới gọi những người thuộc Gen Z là "thế hệ bất hạnh nhất". Kết quả của nhóm nghiên cứu giáo dục Foundry10 công bố đầu năm nay cũng cho thấy đây là thế hệ "bị từ chối nhiều nhất trong lịch sử loài người".

Nhiều người thuộc Gen Z đang theo học lĩnh vực về công nghệ và ngày càng bị định hình bởi công nghệ, chẳng hạn thuật toán AI lan tỏa trong mọi lĩnh vực, từ hẹn hò, tuyển sinh đại học đến việc làm.

"Dù là thuật toán hay AI, tất cả đều đang chống lại Gen Z", Jeff Guenther, một chuyên gia trị liệu vấn đề tâm lý mạng xã hội, cho biết. "Họ không bị con người thực sự từ chối, mà đang bị công nghệ lọc ra. Có lẽ sự tức giận nên hướng đến Apple, Google, Tinder, Facebook hoặc Meta".

Ngoài ra, vấn đề của Gen Z còn đến từ chính họ. Số liệu từ nền tảng tư vấn giáo dục và nghề nghiệp Intelligent công bố cuối năm ngoái cho thấy, trung bình cứ 6 nhà tuyển dụng có một người không muốn tuyển nhân viên Gen Z. Hơn một nửa cho biết thế hệ này "gặp khó khăn trong giao tiếp, không xử lý phản hồi tốt và nhìn chung chưa sẵn sàng cho nhu cầu của lực lượng lao động".

"Gen Z không biết kỹ năng cơ bản để tương tác xã hội với khách hàng và đồng nghiệp, cũng như không biết phép xã giao công sở", Holly Schroth, giảng viên Trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học California, Berkeley, nói với Euronews. "Do đó, các công ty cần đào tạo nhân viên mới một cách bài bản và đầy đủ kỹ năng về công việc lẫn ứng xử trong môi trường công sở".

Bảo Lâm (theo Business Insider, Euronews, Fortune)
 
Bên trên