Truyện ngắn - Cõng mưa

Hải Vy

Well-known member
Hắn đứng giữa chợ, gương mặt đẫm mồ hôi. Ngỡ giấc chiêm bao mà sao lạ quá, hắn vẫn cảm nhận được nhịp tim mình vội vã và đôi chân líu ríu như kiệt sức.

Những người bán hàng đang tất bật dọn dẹp chuẩn bị đóng cửa sạp. Họ hối hả đi qua hắn, có người lắc đầu, có người tặc lưỡi: “Tội chưa!”. Bà cụ quẩy đôi quang gánh bánh tằm khoai bước tới dành cho hắn cái nhìn rất lành, biểu: “Thôi, về nhà đi cậu. Người ta bỏ mình rồi, biết làm sao”.

***
Nhiều đêm không ngủ được, hắn trèo lên sân thượng chung cư nằm. Mấy lần đầu, bác bảo vệ càm ràm kiểu này hại sức, sương sớm xuống coi chừng đổ bệnh. Dù ông nhỏ nhẹ hay tỏ ra nghiêm nghị hơn mức bình thường, hắn vẫn chỉ nói đây là chỗ dễ chịu nhất thế giới. Sau rốt, ông để yên cho hắn chiếm lĩnh không gian tĩnh mịch lúc nửa đêm về sáng này, thỉnh thoảng chép miệng thở dài trước dáng nằm còng queo khoanh cứng 2 tay ép vô ngực trên nền xi măng lạnh lẽo, trộm nghĩ biết đến bao giờ hắn mới sống cho ra sống như ngày xưa, rồi ông lại thở dài thêm lần nữa. Cái ngày xưa ấy sẽ không bao giờ trở lại.

Ảnh Shutterstock
Ảnh Shutterstock
Điện thoại đổ chuông lúc 4 giờ sáng. Thông thường, giờ này chỉ duy nhất 1 người gọi cho hắn, vậy nên hắn vẫn nằm im chờ đợi những lời hỏi han, dặn dò. Hắn sẽ xuề xòa nói không sao và rồi người sẽ dằn dỗi một chút. Hắn cứ cố chờ, rồi lại chờ nhưng không có gì kiểu như vậy xảy ra. Xuất hiện cạnh gương mặt ngơ ngác của hắn là bác bảo vệ, ông lay vai hắn mạnh tới độ khung cảnh gia đình rộn vang vừa chạy qua đầu hắn liền loang ra vỡ vụn: “Điện thoại cậu rung nãy giờ kìa, chắc ai gọi gấp”.


Màn hình di động hiện số lạ, hắn ngần ngừ hồi lâu mới trượt phím nghe. Phía bên kia là giọng nữ, nhỏ và trong. Nhất thời hắn không nhớ là ai dù chị giải thích sở dĩ có được số hắn là bởi tháng rồi đã đặt cuốc xe đi từ xóm Nắng. Chị xin lỗi vì quấy rầy giấc khuya, kèm theo lời dò hỏi liệu bây giờ hắn đón khách được không. Hắn đăng ký chân tài xế với hãng xe công nghệ Bạn Đường 1 tháng nay, chở người lẫn giao hàng, xa mấy cũng đi. Dường như sợ bị từ chối chỉ bằng một nhịp thở hơi dài qua sóng vô tuyến, người phụ nữ cuống quýt nói đang ở hồ Lưng Chừng, đặt xe nhiều lần mà chẳng ai đoái hoài, cũng cố tìm mấy bác tài xe truyền thống rồi nhưng chỗ này vắng tanh. Chị lại hứa sẽ trả thêm tiền. Thốt nhiên, hắn lạnh sống lưng. Nếu chị là người thân, có khi hắn đã nạt: “Làm cái quái gì ở đó giờ này?”. Chị lại rối rít xin lỗi và rồi thinh lặng giăng đầy 2 phía.

Cuối cùng, hắn nghe giọng mình trầm trầm: “Chỗ tôi tới hồ khá xa, chừng 45 phút”.

Bon bon ngoài đường trên chiếc Wave cũ, hắn tự hỏi sao mình làm việc này. Không có câu trả lời. Hắn đang trong chuyến đi dài từ đầu này sang đầu bên kia thành phố. Hắn từng đến hồ Lưng Chừng vào một buổi chạng vạng, ngồi lặng lẽ tới khuya. Cảnh sát tuần tra khu vực quay lại 2 lần để nhắc: “Về nhà đi”, hắn ngập ngừng: “Không biết về đâu, anh cảnh sát à”. Chàng cảnh sát trẻ bối rối, hỏi hắn cần giúp gì không, hắn khoát tay giả lả: “Tôi đùa thôi, ở đây chút cho mát”. Tới lần thứ ba, ánh sáng nhờ nhờ từ chiếc đèn pin cầm tay soi vào một gương mặt u ám, cảnh sát không nhắc nữa mà đề nghị hắn gọi người nhà hoặc đọc số điện thoại cho anh cũng được. Thái độ cương quyết đó lay động hắn. Hắn loạng choạng đứng dậy, nỗi buồn đan khít vào nhau chụp lấy trái tim không chừa một kẽ hở. Biết gọi ai bây giờ khi hắn chỉ có một mình.

Căn hộ chung cư mini tuềnh toàng chưa tới 30 mét vuông lại quá rộng cho một người, thành ra hắn sợ về nhà. Hồi đó, hắn còn làm thuê ở chợ đầu mối, toàn việc nặng, lấy đêm làm ngày. Ban ngày, hắn cũng không ngủ mấy. Ông già khu Gò Mây kêu qua phụ việc trong vườn rau thủy canh và trại nấm bào ngư mặc cho hắn lơ ngơ trước những phôi, những hệ thống phun sương tự động. “Lo trả nợ tao nhanh nghe mày” - ông già huých cùi chỏ vô người hắn nửa đùa nửa thật. Hắn đâu có ý định từ chối công việc bởi hắn nghĩ nếu bận rộn luôn luôn thì nỗi buồn sẽ không tìm ra vết nứt nào để ngấu nghiến tâm can mình. Vậy mà 3 tháng, nửa năm, rồi 1 năm, 2 năm, hắn vẫn thấy hắn của ngày hôm đó - đập đầu điên dại lên vách tường, la hét lạc giọng trong gọng kiềm những đôi bàn tay xa lạ.
***
Người phụ nữ trông như đang bơi trong bộ đồ quá khổ. Chị lẳng lặng rời mép hồ, nhoẻn miệng cười cảm ơn hắn đã nhận một cuốc xe mỏi mệt. Đội nón bảo hiểm hắn đưa, chị trèo lên yên sau, không nói không rằng. Hắn cũng lặng im rồ ga, vừa kịp nhớ ra chị.

Những bữa cơm dưới mái hiên căn nhà tranh nơi mé vườn, hắn có buột miệng thốt ra cái tên Lưng Chừng hay người già đã qua nhiều mất mát dễ nhận thấy chỉ dấu không ổn nơi người trẻ, hắn không nhớ, cũng không biết. Vậy nhưng ông già khu Gò Mây chợt gợi ý hắn tìm công việc khác, thứ gì đó ồn ào hơn, náo nhiệt hơn, gần con người hơn. Hắn ngạc nhiên: “Ủa, bộ chợ đầu mối vắng người sao?”. “Ý tao đâu phải ồn ào kiểu đó. Mày làm gì thì làm một cái thôi, bỏ bớt việc đi” - ông già tròng trành trên võng buông lời bâng quơ.

Hắn nghe lời ông già. Chị là vị khách đầu tiên ngay khi hắn tải ứng dụng gọi xe của Bạn Đường và đăng ký chân tài xế thành công.

Về tới đầu xóm Nắng, người phụ nữ lúi húi mở ví. Chị hành động rón rén, kiểu đang tính toán, dò xét gì đó lung lắm. Vốn không định nhận tiền, hắn thận trọng từ chối, nói chị cứ để đó đi chợ. 13 giờ đồng hồ sau, hắn giận mình đã thốt ra từ “chợ”, bởi ngay lập tức, mắt người phụ nữ sáng rực lên: “Nói mới nhớ, sẵn đây phiền anh chở tôi lên chợ Thương một chuyến luôn, được không?”.
***
Cảnh sát trực ban ái ngại thay cho hắn. Bà rót trà chậm rãi, mắt chăm chú nhìn xuyên qua vành ly đón lấy tất cả những hoang mang, hoài nghi, mỏi mệt nơi hắn. Bà trấn an hắn về nhà nghỉ ngơi, đứa trẻ sẽ do những người ở đây tạm thời chăm sóc cho tới khi tìm được người thân nhưng khả năng người mẹ suy nghĩ lại cực kỳ thấp. Trường hợp không ai đứng ra nhận nuôi dưỡng, buộc phải gửi đứa trẻ vô viện mồ côi.

Má hắn, cha hắn, cũng có thể là ông bà hắn đã bỏ hắn lại dưới gốc cây trứng cá trước viện mồ côi Bầu Trời Nhỏ. Khi đó, hắn tái xanh, đói sữa khóc ngằn ngặt. Khi đứa trẻ 9 tuổi biết thắc mắc về gốc gác, Viện trưởng Bầu Trời Nhỏ trao cho hắn mảnh vải đã ố vàng bên trong nguệch ngoạc mấy chữ đỏ xỉn, là máu: “Nhà mình nhất định sẽ quay lại đón con”.

Không phải ba, má hay ông bà, mà là “nhà mình”, đã “sẽ” rồi còn “nhất định”, cho nên suốt ấu thơ tới tuổi trưởng thành, hắn vẫn chờ. 18 tuổi, hắn rời viện mồ côi ra riêng, loanh quanh kiếm sống trong thành phố để mỗi cuối tuần đều trở lại viện hỏi các má cái câu cũ mèm: “Có ai tới tìm con không?”. Bất kể hy vọng dần mòn, sau khi đến với Thy, hắn vẫn cẩn thận để lại viện địa chỉ những khu trọ vợ chồng hắn đi qua, bởi biết đâu đó…

Không một ai quay lại.

Người phụ nữ ấy cũng biến mất dù chị hứa sẽ quay lại nhanh thôi. Ngay trước cổng chợ Thương, chị bối rối nhờ hắn bồng giùm đứa nhỏ: “Mua xong mấy hộp sữa với mớ trái cây, tôi ra liền”. Hắn cả tin, lại còn dễ mềm lòng. Là cảm giác bồn chồn lo người lạ nghĩ quẩn hoặc sẽ gặp nguy hiểm lúc nửa đêm, những lời xin lỗi vồ vập hay tiếng khóc trẻ nhỏ thình lình bật lên giữa cuộc gọi khiến hắn vùng dậy lao ra đường tới Lưng Chừng. Hay tất cả? Lẽ ra hắn phải biết ngay từ đầu rằng mình đã bị nhắm trúng. Làm gì có người mẹ nào dễ dàng trao con cho kẻ lạ chỉ để đi chợ rảnh tay.

Hắn nhớ lần đón trước, trưa trật trưa trờ, người phụ nữ chỉ bọc đứa nhỏ trong chiếc áo cánh màu khói mỏng tang. Hắn đã định bụng chạy luôn, thây kệ người ta mà không đành, ngập ngừng xin phép tấp xe dưới bóng râm 2 cây me tây cổ thụ, chạy vô tiệm mua cái khăn bông khổ to và hộp khẩu trang nói chị che cho bé, trời nắng quá, với lại đợt này dịch giã chưa êm đâu, vẫn phải đeo khẩu trang khi ra đường, cẩn thận đâu có thừa.

Hắn quáng quàng quanh chợ và mấy khu lân cận cả ngày, cố tả thật chi tiết nét mặt, vóc dáng lẫn màu sắc quần áo người đàn bà ấy mặc. Có người quả quyết đã thấy chị bước lên chuyến xe buýt số 9 chỗ trạm dừng đối diện chợ Thương. Người khác bóp trán: “Chà, cô này quen dữ, hình như hồi trưa nay tôi thấy cổ đứng khóc trong cái sạp bỏ trống cuối chợ”. Và nhiều người chỉ nhìn hắn rưng rưng: “Kiếm gì nữa cậu, người ta bỏ đi rồi đó, sẽ không quay lại đâu”.

Tàn chợ vừa đúng lúc mưa trút xuống xối xả. Ông trời thiệt biết chọn thời điểm chơi khăm hắn. Đứa trẻ đói sữa khóc thét từng quãng. Hắn bồng thằng bé lang thang không biết đi đâu, quên mất chiếc xe còn gửi trong bãi chợ. Mấy bà, mấy cô nhà ven đường hộc tốc cầm dù chạy ra đập vai hắn giận dữ: “Làm gì mất hồn vậy? Con bệnh bây giờ. Đây, bình sữa tôi mới pha, cho thằng bé bú đỡ đi”.
***

Thy xót hắn mười mấy năm lăn lộn trong chợ đầu mối, chưa nghỉ đêm nào. Sáng ra, hắn còn giao nước đóng chai và đá cây cho hàng quán kiếm thêm. “Mình ở nhà thuê chục năm nữa cũng được mà” - ý Thy vậy nhưng hắn đâu chịu. Vợ chồng hắn sống cảnh chui rúc trong những xóm trọ chật chội, ngày cũng như đêm mùi xú uế trườn vào mọi ngõ ngách hay chung cư 7 tầng, 1 tuần hết 7 ngày thang máy gắn bảng “Đang sửa” đã đành nhưng tới đời con hắn phải khác chớ.
Ông già khu Gò Mây nói ưng cái bụng vợ chồng hắn sống được, cắt bán cho miếng đất không chút đắn đo. Hắn vét hết số tiền tiết kiệm vẫn thiếu chút ít, ông nháy mắt: “Thì bây từ từ trả, mai mốt thành hàng xóm đố mà chạy nợ”. Thy mừng quýnh. Cô nhẩm tính chờ Bình An học hết tiểu học, dành dụm được đôi ba đồng chuyển xuống khu Gò Mây dựng tạm căn nhà, là nhà của mình…

Nhưng, Thy và Bình An đã không chờ được tới ngày “nhà của mình” thành hình. Gia đình hắn cùng hàng trăm cư dân chung cư phải vào trung tâm cách ly vì dịch COVID-19. Tin nhắn, cuộc gọi thưa thớt dần. Hắn nhiễm bệnh, phổi trắng xóa chìm nghỉm giữa những cơn tỉnh thức lẫn lộn cho tới ngày lồm cồm bò khỏi bàn tay thần chết, quờ quạng tìm gia đình. Câu đầu tiên hắn được thông báo là vợ con hắn đi rồi, sau nhiều tuần can thiệp ECMO, không một lời nhắn để lại. Mới đầu, người hắn đông đặc, rồi hắn nghĩ bác sĩ nhầm lẫn. Hắn van nài bất cứ ai trong tầm mắt xác nhận giùm đây chỉ là sự nhầm lẫn. Mặc hắn quỳ lạy khẩn cầu, những bóng người chụp xuống cơ thể run rẩy của hắn chỉ im lặng cúi đầu.
***
Quá bận với việc kiếm tiền, tính toán từng li để làm sao mua được đất cất nhà sớm nhất, để tương lai con “phải khác”, hắn bỏ qua nhiều dịp quan trọng của Bình An. Thy một mình xoay xở, vừa chăm con, vừa quán xuyến xe bánh mì Hội An. Không phải không nhớ mà là hắn không biết Bình An trông ra sao trong khoảnh khắc làm được cú lật đầu tiên, khoảnh khắc chập chững bước đi đầu tiên và cả tiếng bập bẹ đầu tiên. Hắn chỉ biết ồ à ngạc nhiên trước những thay đổi của con mà hắn thình lình phát hiện giữa những quãng nghỉ ngắn ngủi của công cuộc kiếm tiền. Có quá nhiều hối tiếc, quá nhiều ân hận về những điều hắn không kịp biết liên quan đến 2 người quan trọng nhất đời hắn.

Thằng bé ngọ nguậy trong tấm nệm hắn mua trên đường về. Nó huơ huơ 2 bàn tay trắng mềm về phía hắn, khuôn miệng nhỏ xíu he hé như đang cười hoặc hắn tưởng tượng vậy và hắn cũng cười đáp lại. Hắn có 1 miếng đất dù vẫn còn khoản nợ nhỏ. Ông già khu Gò Mây ký xẹt tờ đơn, chấp nhận hắn quay trở lại làm, có chỗ nghỉ ngơi chăm trẻ hẳn hoi. Vợ ông quả quyết không đâu tốt hơn cho bọn trẻ bằng những khu vườn. Hắn không tiền án tiền sự, chưa từng gây hấn hay làm hại ai… Những người có chức quyền thì thào trao đổi với nhau rồi gật đầu xác quyết rằng hắn được phép nhận nuôi đứa trẻ.

Khi hắn bước tới trước 2 tấm di ảnh, đứa trẻ trong vòng ôm vụng về không biết vui gì mà chập tay vỗ vỗ. Hắn đảo mắt từ 2 gương mặt rạng rỡ đang mỉm cười xuống khuôn mặt nhỏ xíu bụ bẫm ép sát ngực mình, tự nhủ lần này sẽ làm một người cha tốt hơn.

Thảo Nguyên

Tablet Plaza cảm ơn bạn đã đọc bài sưu tầm.
Em bán: iPhone 12 pro max 128G : 14.990.000 đ
Mua ngay: https://tabletplaza.vn/dien-thoai/iphone-12-pro-max-128gb-vi/
Liên hệ: 0947.711.881 (Zalo và Whatsapp)
 
Bên trên