Truyện ngắn - Người bên hiên nắng

Hải Vy

Well-known member
Vừa tảng sáng đã thấy ông già trên chiếc xe đạp quen chạy lòng vòng La Bàn, hắn thở phào, vậy là ổn rồi. Tuần trước hắn ghé thăm, ông còn mệt mà vẫn một hai đòi ra Mùa xuân 88.

Hắn kêu trời, liên quan gì đâu, thân ông lo chưa xong. Như cái vụ nằm viện này, khi không rước khổ, tưởng mình trẻ khỏe lắm hay sao. Nghe hắn càm ràm một hồi, ông già cười: “Chừng bây già bây hiểu. Thấy cái cảnh sao dửng dưng cho được”. Hắn ngớ người một lúc, xong cũng nhe răng cười khì. Chưa cần đợi tới già để hiểu, chỉ là hắn cứ nao lòng mỗi khi nhìn ông. Hắn đã thở dài, cười toe, rồi lại thở dài không biết bao bận vì ông già. Có những khoảnh khắc hắn ước giá ông già là ba ruột - người cha mà hắn từng ngỡ chỉ có trong tưởng tượng phù phiếm của thằng trai lớn lên bằng đòn roi tới tấp.

Hắn xoay ống kính máy ảnh lấy cận cảnh ông già cúi xuống chạm tay vào bó hoa cúc dại chỗ cửa hàng hoa tươi phía đối diện, cách quán cà phê đang ngồi chừng 15m. Tới tiệm sửa xe Bảy Hiền, ông giở mũ nồi ra, một nhóm người chùm hum ngó vô chỉ trỏ, có lẽ họ coi vết thương trên đầu ông đã lành chưa. Và, trước Mùa xuân 88, ông già rõ là phấn khởi. Mặc bà chủ khoát tay liên tục, hắn đoán ý bà biểu cứ để đó khỏi mắc công, ông già vẫn lăng xăng ôm chồng báo và tạp chí ràng sau yên xe đạp, một chồng khác xếp trong giỏ phía trước. Không cần chạy theo, hắn cũng vẽ được đoạn đường ông già sẽ đi, chỗ ông sẽ dừng lại và khi quay về sạp báo nhỏ đầu đường số 9 La Bàn này, ông sẽ mang theo thứ gì.

Lần đầu tiên gặp ông già hắn đã là phóng viên chính thức của nhật báo La Bàn được vài năm. Hồi đó, hắn thích rong ruổi cùng anh bạn 1Ds Mark II ưa thích, không mấy khi ở nhà hay tòa soạn trừ những buổi họp ban thời sự trao đổi đề tài. Hắn bấm máy liên tục với một nguyên tắc duy nhất, là “sống”. Những cuộc gặp gỡ, những đôi mắt, những con đường, những cánh đồng… - tất cả đều phải đang sống đời sống thực của chính nó theo đúng nghĩa đen.


Một ngày nọ, bất đắc dĩ hắn phải trực, tiếp nhân vật thay Hiệp - cậu bạn đồng nghiệp theo cảnh sát tới hiện trường một vụ án mạng. Nói bất đắc dĩ bởi vì đôi khi, hắn băn khoăn không hiểu vì sao Hiệp cứ lao vào các vụ mất tích. Đó là việc của cảnh sát, chúng ta chỉ cần đăng mẩu tin nhỏ tìm người là đủ trách nhiệm rồi. Nghe hắn nói, Hiệp sững sờ cả phút rồi hỏi ngược lại: “Cậu nghĩ bạn đọc cần gì?”. Thả một câu hỏi khó ra giữa bầu không khí đặc quánh suy tư nghĩa là Hiệp tức giận hoặc thất vọng về hắn. Ý nghĩ đó khiến hắn buồn kinh khủng, cho nên hắn im lặng. Dù không hoàn toàn, hắn chắc mình hiểu đôi chút con người Hiệp, bởi vậy mà rất quý cậu. Hiệp mò mẫm đào xới, lục tìm, gặp người này, nài nỉ người kia, chấp nhận hết những lời lẽ nặng nề khó nghe từ ai đó cho rằng bản thân bị làm phiền. Cậu đi mòn chân mỏi gối dưới mưa nắng khắc nghiệt không nản lòng để viết bài và hy vọng. Mà hy vọng cho ai: người nhà, nạn nhân, cả hai hay chính cậu thì cậu cũng không rõ trong những cuộc tìm mịt mù, có trường hợp như bốc hơi khỏi mặt đất không tăm tích suốt 30 năm. Hiệp nói cậu biết, với một số người, hy vọng chỉ là thứ xúc cảm viển vông nhưng với những người khác, nếu không có hy vọng thì biết bám víu vào đâu để tiếp tục sống.
***

Chỉnh tề trong bộ quần âu, áo sơ mi xanh đóng thùng, đội mũ nồi và mang đôi dép da quai hậu, ông già xuất hiện không có vẻ gì giống một người cha khắc khổ mỏi mòn tìm kiếm đứa con gái duy nhất đã mất tích ngót nghét chục năm như hắn hình dung. “Tôi ghé để báo cậu Hiệp là phía cảnh sát chưa có tiến triển. Trong vòng 1 tuần tới đây, tôi lên La Yên, nghe đâu trên đó có người rất giống…” - ông già hạ giọng. Hắn gật đầu một dạ, hai dạ, xô nghiêng ánh mắt về phía kim đồng hồ đeo tay. Hẳn là vậy rồi, nếu có tin tức gì từ nhà chức trách, Hiệp sẽ biết đầu tiên không chừng bởi ngày nào cậu cũng chầu chực ở đó. Có lẽ ông già nhận ra thái độ nôn nóng sỗ sàng của hắn nhưng vẫn giữ giọng trong và ấm, liên tục cảm ơn cậu phóng viên đã dành thời gian. Rất lâu về sau hắn mới nhận ra những thăm hỏi gượng gạo, những động viên lấy lệ, những hứa hẹn rõ ràng mông lung dối lừa đè nặng ông già trong thinh lặng. Cái ông cần là được nói với ai đó về đứa con gái đã không thể về tới nhà sau buổi học cuối cùng của năm lớp Chín. Ông cần ai đó thực sự lắng nghe ông, chịu chăm chú đọc từng cuốn tập, coi từng bức phác thảo mô hình ô tô của cô bé có ước mơ trở thành kỹ sư, ai đó tin cùng ông rằng xác suất cô bé nổi loạn bỏ nhà đi bụi là bằng 0.

Hiệp chính là người như vậy. Cậu sẵn lòng ngày này qua tháng khác nghe đi nghe lại hàng ngàn lần một câu chuyện bằng thái độ đồng cảm, tin cẩn. Hắn và Hiệp là sự tương phản. Những cuộc chuyện trò mang tính riêng tư giãi bày thường gây cho hắn sự mỏi mệt. Hắn luôn tránh tụ tập bạn bè, hạn chế tối đa các cuộc phỏng vấn lấy thông tin cá nhân, chỉ muốn lặng nhìn mọi thứ rồi bấm máy, bởi vậy mà chọn làm phóng viên ảnh dù cũng được đào tạo viết lách bài bản.

Nhưng, họ - ông già góa bụa lại còn mất con gái từ khi cô bé mới 15 tuổi và bà mẹ vĩnh viễn mang vác những vết sẹo dài từ cuộc hôn nhân đầy bạo lực - là ngoại lệ, với riêng hắn.

Thành thật thì lúc đầu, hắn không thích bà chủ Mùa xuân 88. Hễ chạm mặt bà là cảm giác chán nản trỗi lên bên trong hắn. Từ bà, hắn thấy lại má hắn của ngày xưa quá nhiều chịu đựng, nín nhịn cho tới giây phút nhắm mắt vì những cú ra chân của chồng. Là con kẻ giết người, cũng là con nạn nhân, hắn ở giữa 2 làn đạn, gièm pha và thương xót. Từng một đoạn đời hắn sợ hãi ánh mắt người đối diện, luôn luôn trong đó là những tia cười cợt, e dè. Có thể người ta đâu nghĩ gì, họ còn chẳng biết chuyện nữa là, vậy nhưng cơ thể hắn vẫn co rúm, nghe dội vang trong đầu những xì xào về đứa trẻ con kẻ sát nhân. Khi dọn tới sống tại nhà dì Út, mỗi ngày đối với hắn đều ngộp thở. Dì càng gắng gượng hòng tạo cho đứa cháu khung đời bình yên càng bục ra day dứt của cô em gái đã không quyết liệt can ngăn chị bước vào cuộc hôn nhân sai lầm ngay từ vạch xuất phát.



Khi ông già chở báo rời đi, hắn bước lại sạp. Bà chủ Mùa xuân 88, như thường lệ, mừng rỡ. Hắn bâng quơ hỏi tình hình bán buôn hồi này dù biết thừa báo in đã qua thời hoàng kim hoặc có thể gọi là đang trong giai đoạn tiền băng hà. Nhà nhà người người cắm mắt vào điện thoại thông minh luận chuyện chuyển đổi số hết rồi. “Biết đâu mai mốt lại thịnh, cậu Song à. Như sạp tôi mấy chục năm vẫn đầy khách ruột đây, họ nói họ mê hít hà mùi giấy báo mới. Ông già bà cả vẫn là bạn đọc của các cậu chớ gì! Họ đi lại khó khăn chút thôi, thành ra ổng đòi chở báo tới tận nhà giao, sẵn tiện bán thêm phụ tôi dọc đường, tới 2g chiều thì đổi ca với bạn bảo vệ trẻ làm sáng. Thiệt tình, người đâu sướng không chịu…” - bà chủ cười nhíu đuôi mắt. Hắn gật đầu hưởng ứng. Hắn nhớ năm ấy, buổi tối mưa xối xả như thể có vực nước không đáy úp ngược từ trời, Hiệp vội vã xô cửa chạy sau cuộc gọi từ nguồn tin thân cận. Hắn phải lao theo níu cậu bạn đồng nghiệp cùng trọ trong căn chung cư, kiên quyết giành phần lái xe. Phòng cấp cứu sáng đèn. Nếu không có tiếng khóc nấc từng chập của Tường - con trai bà chủ Mùa xuân 88 - có lẽ hắn đã trôi tuột về phía quá khứ trên hành lang bệnh viện, nơi người ta thông báo với thằng bé 11 tuổi rằng má nó chết rồi, ba nó thì bị cảnh sát còng tay đưa về đồn.

Ông già nằm trước cửa tử, cả người bê bết máu. Sau màn xông pha che chắn cho thằng Tường khỏi những cú phang gậy gỗ hung hăng của ba nó, ông ngược đường về trung tâm thương mại La Bàn, không lường được chỉ vài phút hơn, chưa kịp hoàn hồn, phòng bảo vệ nơi ông làm việc bị xe tải chở hàng hất tung. Mọi thứ đổ sập, không kịp cho người ta hiểu tại sao chuyện như vầy lại xảy ra. Chân bảo vệ này là chỗ ông già kiếm cơm lẫn chi phí tìm con gái. Mỗi năm, ông nghỉ 1 tháng cho những chuyến đường xa, còn lại sáng nào cũng đạp xe ngang Mùa xuân 88 mua báo coi mục Tìm người thân. Tường bám riết lấy ông già. Nó ngồi trong phòng bảo vệ ngay trước cổng trung tâm học bài nhiều hơn ở nhà. Miệng người đáng sợ, những đồn đoán ác nghiệt về mối quan hệ của 3 con người cứ nhọn lên. Ông già mần thinh hết thảy. Hiệp hùa theo, kệ, giải thích chi cho mệt.

Rùm beng mấy tuần liền, báo in tốn không biết bao nhiêu giấy mực, đài truyền hình làm luôn một loạt phóng sự, lấy câu chuyện bà chủ Mùa xuân 88 chịu đựng chồng đánh đập dã man nhiều năm làm điểm nhấn khơi mở đề tài hậu quả nghiêm trọng của bạo lực gia đình. Nhà chức trách vào cuộc, hội phụ nữ, chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em lên tiếng. Tới đó, người ta mới bật ngửa bàng hoàng. Không chỉ cơ thể bà chủ Mùa xuân 88 thừa mứa sẹo bỏng do đầu mẩu thuốc lá cháy mà tấm lưng còm cõi của Tường cũng hằn sâu những lằn roi da. Bữa ra tòa, gã đàn ông nấc tu tu, biện bạch oán hận người bảo vệ, mua báo thì mua đi, mắc chi bữa nào cũng gửi thêm gói xôi, bịch sữa cho thằng Tường. “Nó là con tôi mà!”. “Nó là con ông, vậy thì tấm lưng này là gì?” - nhật báo La Bàn giật tựa bài với một câu hỏi trích ra từ ý kiến bạn đọc. Một phiên tòa hình sự ồn ào, thậm chí còn có những xa gần thêm rằng nên xét nghiệm ADN của ông già và Tường vì không có lửa sao thành khói. Hắn thấy chính hắn cứng họng. Sống cuộc đời lương thiện đâu có dễ! Nhân chứng ra tòa theo triệu tập từ bên công tố là những người hàng xóm cúi mặt. Họ biết 2 má con bị đánh đập lâu lắm rồi. Chuyện chẳng liên quan ông già. Bản chất thằng chả bạo lực có tiếng, họ sợ dính vô sẽ bị trả thù.
***
Khoảng giữa buổi sáng, ông già đạp xe trở lại, khoe 3 ổ bánh mì thịt nướng còn nóng giòn. Hắn ngạc nhiên, ông nheo mắt khà khà, ban sáng chụp hình rồi giờ tính sao cậu phóng viên, nhuận ảnh cho người mẫu chớ hả. “Chịu luôn” - hắn đứng phắt dậy chạy qua bên kia đường mua cà phê. Vốn hắn muốn tới coi bà chủ Mùa xuân 88 có ổn không. Tháng trước, sau 13 năm ngồi tù về tội cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản, người đàn ông mang danh chồng, cha lại hùng hổ tìm về La Bàn gây sự. Ông già thêm một bận thương tích đầy mình. Chồng cũ bà chủ Mùa xuân 88 hậm hực luôn luôn, gã mò tới tận bệnh viện chỗ Tường làm bác sĩ nội trú la lối om sòm, khoe con giỏi, con ngoan sẵn tiện xin tiền tiêu xài. Hình như Tường giấu má, hắn để ý bà chủ Mùa xuân 88 chẳng chút mảy may nhắc tới vụ này suốt cuộc chuyện trò. Bà vui vì ông già khỏe lại, vui vì xóm làng ngưng bàn tán. “Tại với ai ổng cũng tốt vậy cậu à” và vui vì Tường đã thôi sợ hãi những tiếng động mạnh, những giọng nói âm lượng hơi to. Phán quyết của tòa năm xưa khiến nhiều người tặc lưỡi cho rằng nặng quá và nhiều người khác thất vọng, trong đó có hắn. Song, phán quyết đó lại gợn trong đầu hắn một niềm tha thiết: giá có một người dưng nhiều chuyện như ông già đến bên má con hắn, biết đâu má hắn vẫn còn sống và đứa trẻ bên trong hắn đã không sợ con người nhiều đến vậy.

Bà chủ Mùa xuân 88 cắm bó cúc dại vô bình thủy tinh đặt trên ngạch gỗ bên hiên nắng. Hắn lặng im đứng nhìn 2 người già từ cách một quãng, gương mặt họ rạng rỡ hơn thường ngày. Không biết vui gì mà ông già cười nhiều làm hắn vui lây. Hắn theo chân ông trong cuộc tìm đã 13 năm rồi, nghĩa là 23 năm ông kiên định chờ con. Đợt nào ông đi xa, hắn phi xe chở. Ông ngại phiền, hắn ha hả kêu ghi sổ nợ mai mốt chị An về tính 1 lần cả gốc lẫn lãi, đâu có miễn phí. Hắn lân la nhờ mấy anh bạn dân công nghệ thử phác thảo gương mặt chị An khi trưởng thành. Coi hình thấy chị lém lỉnh, thông minh, ông già xúc động, càng thêm hy vọng.

Trong lúc đi ngược lại Mùa xuân 88, hắn sực nhớ sớm nay trên nhật báo La Bàn có bài phóng sự dài 2 trang Hiệp viết về cuộc đoàn tụ sau 29 năm kiên trì tìm con trai của một bà mẹ nghèo.

Huỳnh Sa Chang


Em bán Samsung Galaxy A55 5G 8GB 128GB : 8.690.000 đ
👉 Full 3 màu: Xanh, Đen, Tím
👉 Có giao hàng hỏa tốc
👉 Có Ship code
👉 Có Trả góp 0%
Chi nhánh Gò Vấp
859 Quang Trung, Phường 12, Q Gò Vấp
Hotline: 0947.711.881
Maps: https://g.page/r/CVSFBogl7CfWEAE
Thời gian làm việc: 08h00 - 22h00
 
Bên trên